Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới trồng cây (21/03/2023), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng gần 19.500 cây thuộc 24 loài gỗ quý, phủ xanh hơn 18 ha rừng đặc dụng.
Việt Nam hiện là 1 trong 6 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu khi phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán, lũ lụt…
Để ứng phó với bất ổn về khí hậu, Việt Nam đã có những động thái quyết liệt như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia trồng cây khôi phục rừng đầu nguồn tại Vườn quốc Gia Bến En cùng người dân địa phương. Ảnh: Thanh Huyền
Trồng rừng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam và thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm kêu gọi các quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững, ngày 21.03 hằng năm được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Liên hợp quốc đã chọn đồng thời là Ngày Thế giới trồng cây và Ngày Quốc tế về Rừng từ năm 2013.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, từ đầu tháng 2, Gaia đã bắt đầu thực hiện các hoạt động đầu tiên trong hành trình trồng hơn 20.000 cây gỗ lớn bản địa, với những công việc đầu tiên như chọn giống và phát dọn thực bì, chuẩn bị khu vực trồng rừng.
Bà cũng cho biết, trước những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, cả thế giới đang gấp rút chuyển dịch và hành động để ứng phó và thích nghi. Vì vậy, sự góp sức của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước càng trở nên ý nghĩa, hiệu quả, giúp khôi phục các khu rừng, tăng cường chức năng sinh thái của rừng và do đó tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoạt động này cũng đã nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp như Nestlé, VNPAY, Cibes, Saitex và 590 cá nhân, nhóm trên khắp Việt Nam. Qua đó, sẽ giúp phủ xanh hơn 18 ha rừng đặc dụng, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tạo nơi sinh sống an toàn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Tố Cẩm