Nhiều đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ở Tuy Đức đã, đang khai thác các lợi thế từ rừng để phát triển du lịch. Những sản phẩm du lịch đặc trưng từ rừng hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo, thú vị cho du khách khi đến với Đắk Nông.
Rừng Nam Tây Nguyên đang tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang liên kết với Hợp tác xã du lịch văn hóa Tày - Buchap để khai thác dược liệu, nấu cao dược liệu, làm thuốc, châm cứu, tắm thuốc, và dịch vụ ăn uống. Việc khai thác dược liệu gắn với du lịch rừng đã được công ty xây dựng và đang tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên hiện quản lý hơn 27 nghìn ha rừng và đất rừng, trong đó có gần 23 nghìn ha rừng tự nhiên. Trên lâm phần công ty quản lý có nhiều thác nước hùng vĩ, hoang sơ cùng nhiều cảnh đẹp say đắm lòng người.
Đặc biệt, giữa năm 2022, công ty được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận quần thể cây săng lẻ và cây đa với tuổi thọ trên 450 tuổi là cây Di sản Việt Nam. Đây là tiền đề để đơn vị xây dựng phương án khai thác hiệu quả tài nguyên rừng phục vụ du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, công ty đã đưa 4.800 ha rừng tự nhiên vào kinh doanh du lịch và được UBND tỉnh phê duyệt trong phương án phát triển rừng bền vững. Hiện nay, đơn vị đã kêu gọi được 4 nhà đầu tư tham gia thuê môi trường rừng, khai thác du lịch.
Khai thác dược liệu tự nhiên để tạo ra các sản phẩm phục vụ du khách
“Các sản phẩm du lịch của công ty là khám phá rừng nguyên sinh, hệ động thực vật; trải nghiệm khám phá cây dược liệu quý trong rừng, phát huy cây thuốc bản địa, cây di sản. Từ đó nâng cao giá trị cây dược liệu và các cây di sản đã được công nhận”, ông Bình cho biết.
Tương tự, Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có trên 6.300 ha rừng tự nhiên và 117 ha rừng trồng. Cũng như Công ty Nam Tây Nguyên, nơi đây có thác nước và nhiều cánh rừng tự nhiên tuyệt đẹp. Theo phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt, đơn vị được tổ chức xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích 113 ha.
Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, cho biết: “Đơn vị đã hợp tác với một số công ty khảo sát các điểm du lịch trên lâm phần của đơn vị. Mục tiêu của đơn vị là khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của rừng bảo đảm sinh thái và môi trường của rừng”.
Huyện Tuy Đức có 38.626 ha rừng tự nhiên, 15.455 ha rừng trồng. Tỷ lệ độ che phủ rừng đến năm 2022 đạt 48,33%. Không chỉ được thiên nhiên ban tặng thác nước hùng vĩ, điểm nổi bật của rừng Nam Tây Nguyên là có quần thể cây bằng lăng, cây đa, với tuổi đời hàng trăm năm và đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Nơi đây còn có nhiều loài động, thực vật, trong đó hơn 500 loài cây thuốc và 20 loài cây dược liệu quý có tên trong "sách đỏ" Việt Nam. Ngoài ra, có 300 ha rừng thông đã khép tán. Đặc trưng dưới tán rừng thông là có nhiều bãi cỏ đẹp, thích hợp cho hoạt động dã ngoại, cắm trại.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết: "Huyện Tuy Đức định hướng phát triển du lịch khai thác các tiềm năng, lợi thế từ rừng. Trên cơ sở diện tích rừng hiện có tạo ra các sản phẩm du lịch, mang lại nguồn thu nhập và việc làm cho người dân địa phương. Nếu khai thác hiệu quả, du lịch từ rừng sẽ là sản phẩm đặc trưng của huyện Tuy Đức và tạo được điểm nhấn trên bản đồ du lịch tỉnh Đắk Nông".
Đức Hùng