Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) được đánh giá là khu vực có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất Việt Nam. Ngoài vai trò bảo tồn đa dạng tài nguyên thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển này còn có ý nghĩa lớn với an ninh quốc phòng và phát triển du lịch sinh thái...
Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà trải rộng trên tổng diện tích 26.240ha, cách thành phố Hải Phòng 30 hải lý; được nối tiếp từ vịnh Hạ Long tạo thành một quần thể đảo - vịnh kỳ thú. Vườn quốc gia Cát Bà là hạt nhân của khu sinh quyển, với 9.800ha rừng và 4.200ha biển. Khu vực này hội tụ đầy đủ cả tính chất của rừng nhiệt đới trên các núi đảo đá vôi, cả tính chất của rừng ngập mặn, các rạn san hô, các thảm rong cỏ biển, các dạng tùng, áng (hồ nước mặn giữa núi) và đặc biệt là hệ thống chằng chịt các hang động, trong đó có những hang động được phát hiện cách đây chưa lâu.
Theo điều tra bước đầu, nơi đây có 620 loài thực vật bậc cao phân bố thuộc 438 chi và 123 họ, trong đó có những loài mà hiện nay chỉ tìm thấy ở Cát Bà như kim giao, lát khối, sến mật, lát hoa, re hương, thổ phục linh... Hệ sinh thái rừng ở Cát Bà rất phong phú bao gồm rừng nhiệt đới thường xanh mùa mưa ở đai thấp; nhiều kiểu phụ rừng như rừng trên sườn núi đá vôi, rừng trên đỉnh, rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi và rừng ngập mặn.
Trên đảo Cát Bà có 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát, lưỡng cư. Nhiều loài được xác định đặc biệt quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như Voọc đầu trắng, sơn dương, rái cá, báo, mèo rừng, cầy hương, sóc đen. Đặc biệt voọc đầu trắng (Trachypithecus francoisi polyocephalus) là loài đặc hữu ở Cát Bà. Quần đảo Cát Bà là khu bảo vệ tự nhiên nhằm dự trữ vốn gien, loài và duy trì sự ổn định các hệ sinh thái cho toàn bộ sinh quyển.
Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà được phân bố chủ yếu trên đảo đá vôi Cát Bà và khoảng 400 hòn đảo nhỏ xung quanh với giá trị đa dạng sinh học cao.
Cuối năm 2004 quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) đã được UNESCO quyết định công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cát Bà là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ ba danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm Vườn quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Từ đó đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị liên quan phối hợp triển khai các kế hoạch, phương án trong công tác bảo tồn. Trong đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp với UBND huyện Cát Hải và các cơ quan ban ngành liên quan như bộ đội, công an, biên phòng và chính quyền các xã vùng đệm của vườn quốc gia trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, biển, phòng chống cháy rừng, quản lý các hoạt động du lịch.
Ngoài ra, tích cực phối hợp tổ chức các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển như: Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà của Hội Động vật về Bảo tồn loài và quần thể với Vườn thú Muenster - Đức; chương trình bảo tồn và phát triển Cát Bà của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế FFI; chương trình trồng rừng ven biển, trồng rừng đền bù khí thải CO2,… Các giá trị bảo tồn được chia thành các vùng chức năng, gồm không gian bảo vệ nghiêm ngặt - vùng lõi, không gian được bảo vệ có hạn định - vùng đệm, không gian hỗ trợ và khuyến khích phát triển cộng đồng - vùng chuyển tiếp.
Mới đây, thành phố Hải Phòng xây dựng bản đồ ranh giới Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà bao gồm 3 vùng lõi, 3 vùng đệm và 2 vùng chuyển tiếp. Theo đó, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà có tổng diện tích 26.418,9 ha thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn: Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám, thị trấn Cát Bà và vùng biển giáp ranh địa giới hành chính huyện Cát Hải.
Thành phố Hải Phòng đã xây dựng bản đồ ranh giới Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà nhằm quản lý, bảo tồn, sử dụng nguồn lợi thiên nhiên hiệu quả.
Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà bao gồm: 3 vùng lõi, 3 vùng đệm và 2 vùng chuyển tiếp. Vùng lõi có tổng diện tích 6.278,6 ha, trong đó: Vùng lõi 1: Tây Bắc thuộc địa bàn xã Phù Long, diện tích 488,5 ha; Vùng lõi 2: Đông Nam thuộc địa bàn 03 xã: Gia Luận, Trân Châu và Việt Hải, diện tích 5.629,7 ha; Vùng lõi 3: Đông Nam thuộc thị trấn Cát Bà, diện tích 160,4 ha.
Vùng đệm có tổng diện tích vùng đệm 8.797,1 ha, trong đó: Vùng đệm 1 (đệm bao quanh): thuộc địa bàn 02 xã: Phù Long, Gia Luận, diện tích 1.902,4 ha; Vùng đệm 2 (đệm trung tâm Việt Hải): thuộc địa bàn xã Việt Hải, diện tích là 238,3 ha; Vùng đệm 3 (đệm bao quanh): thuộc địa bàn 06 xã, thị trấn: Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Hiền Hào, Việt Hải, thị trấn Cát Bà,diện tích 6.656,4 ha.
Vùng chuyển tiếp có tổng diện tích là 11.343,2 ha, trong đó: Vùng chuyển tiếp 1 (Bắc Gia Luận): thuộc địa bàn 2 xã: Phù Long, Gia Luận, diện tích là 2.249,0 ha; Vùng chuyển tiếp 2: Thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn: Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Hiền Hào, Xuân Đám, Việt Hải, thị trấn Cát Bà và diện tích vùng biển giáp ranh địa giới hành chính huyện Cát Hải, diện tích là 9.094,2 ha.
Do các phân khu của Vườn Quốc gia Cát Bà và phân vùng Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà hiện nay không đồng nhất, gây khó khăn trong công tác bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học; giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
Do đó, việc Hải Phòng rà soát, xây dựng bản đồ ranh giới Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và các phân khu chức năng của Khu dự trữ sinh quyển sẽ đáp ứng mục tiêu quản lý, bảo tồn, sử dụng nguồn lợi thiên nhiên đồng thời đảm bảo tính pháp lý để quản lý bền vững tính đa dạng sinh học động, thực vật nơi đây.
Hồng Hạnh