Nếu đi khắp miền núi phía Bắc, ta dễ dàng bắt gặp những cọn (guồng nước) gần sông, suối do đồng bào địa phương dựng nên để phục vụ tưới tiêu. Nhưng gây ấn tượng đặc biệt bởi kích thước và số lượng thì phải kể đến loạt cọn nước ở bản Nà Khương (xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Gần 30 vòng xoay khổng lồ tạo nên hình ảnh và âm thanh đặc trưng của núi rừng.
Người Thái đen ở Nà Khương dùng cọn nước từ rất lâu, do cánh đồng nằm cao hơn dòng suối Nậm Mu nên cư dân bản địa xa xưa đã lên rừng lấy tre, nứa, gỗ và dây mây để làm nên những chiếc cọn nước có chiều cao tới hơn 6m. Hệ thống dẫn nước suối trong mát về, cho bao mùa lúa trĩu bông.
5 năm trở lại đây, cọn nước còn trở thành một điểm nhấn độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế đến chụp ảnh, quay phim. Dân bản từ chỗ ngạc nhiên ban đầu, nay chủ động và tích cực tham gia làm các dịch vụ du lịch. Họ bắc thêm cầu tre, làm bè cho khách chèo trên suối, làm lán nghỉ chân, cho thuê trang phục dân tộc, phục vụ ăn uống đặc sản địa phương...
Bản Nà Khương cách thành phố Lai Châu 30km, cách thị xã Sa Pa (Lào Cai) 40km. Đây là cung đường thuận lợi đón du khách đến khám phá, trải nghiệm. Từ bãi đỗ xe đầu bản, du khách đi bộ thêm khoảng 500m qua cây cầu treo và con đường mòn xuyên cánh đồng để đến bờ suối. Thời điểm lý tưởng để đến thăm cọn nước Nà Khương là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Khi mùa mưa về, đôi khi cũng có cọn nước bị lũ mạnh cuốn trôi và sau đó người dân lại cần mẫn dựng lại cọn mới. Dù là mùa lúa xanh hay mùa lúa chín, phong cảnh cũng rất nên thơ, hữu tình. Đến bên những chiếc cọn nước, hơi nước mát rượi và tiếng nước róc rách sẽ khiến du khách cảm thấy thật sảng khoái, bình yên.
Sau khi thỏa thích check-in cọn nước hay tắm suối, bạn có thể chọn một lán bất kỳ để nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn dân dã như gà đồi, cá suối, rau rừng. Bên cạnh những người tiếp đón khách, bà con dân bản Nà Khương vẫn lao động và sinh hoạt bình thường: người lớn làm ruộng và chăn nuôi, đám trẻ con chơi đùa với nhau. Du khách có thể tận mắt chứng kiến và trải nghiệm nếp sống, tập tục của đồng bào.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh