(TITC) – Ngày Quốc tế về Rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests) là ngày 21/3 hàng năm. Ngày Quốc tế về Rừng 21/3 năm nay có chủ đề “Rừng và Sức khỏe” với thông điệp “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”.
Đây là thông điệp hết sức ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta vừa đi qua một giai đoạn mà đại dịch Covid-19 đã tàn phá sức khỏe người dân toàn cầu, và phía trước vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến chúng ta phải chậm lại để chiêm nghiệm, thay đổi suy nghĩ để tìm về với những giá trị căn bản của tự nhiên, và nhận ra việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường là cần thiết để con người có thể sống bình yên và khỏe mạnh.
Mặc dù chủ đề “Rừng và sức khỏe” rất mới nhưng thực tế cho thấy rừng luôn tác động đến sức khỏe con người dù trực tiếp hay gián tiếp. Rừng cung cấp hàng nghìn loại dược liệu quý hiếm, giúp con người chữa lành bệnh tật, thêm sức khỏe để học tập, lao động và kéo dài tuổi thọ. Ở một khía cạnh khác, rừng mang lại cho con người sự che chở, thư thái mỗi khi mệt mỏi…
Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường, giúp cung cấp oxy, điều hòa khí hậu, là nơi cư trú của động thực vật, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, bảo vệ sức khỏe của con người…
Mỗi năm thế giới có hơn 13 triệu ha rừng bị mất đi, tương đương với một khu vực rộng lớn như nước Anh. Khi rừng mất đi, thì các loài thực vật và động vật trong quần thể đó cũng bị mất theo. Rừng chứa 80% tất cả các đa dạng sinh học trên cạn.
Và điểm quan trọng nhất, rừng đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do tích tụ CO2 là yếu tố gây ra sự nóng lên toàn cầu. Kết quả phá rừng làm giảm sự hấp thụ CO2 tương đương với lượng khí thải ra của ngành giao thông vận tải toàn cầu.
Hiện nay, rừng còn bao phủ hơn 30% diện tích đất trên thế giới và có hơn 60.000 loài cây. Rừng cung cấp thực phẩm, chất xơ, nước và thuốc men cho khoảng 1,6 tỷ người nghèo nhất thế giới, bao gồm cả người dân bản địa với các nền văn hóa độc đáo. Vì vậy, bảo vệ rừng là mục tiêu cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Theo báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc, rừng là nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liên, 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới đến từ các lưu vực có rừng. Khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm. Cũng có khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng, tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác.
Cũng theo báo cáo này, rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người, rừng cung cấp nguồn thức ăn, cung cấp nguồn thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển.
Rừng cũng cung ứng các sản phẩm là nguyên liệu cho các vật tư y tế. Thống kê cũng cho thấy, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý và giúp cho con người thư giãn.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, thực hiện Chiến lược về phát triển lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp, nước ta luôn đạt và vượt mức tỷ lệ che phủ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay tăng từ 41,19% lên 42,02% (tỷ lệ tăng 0,83% tương đương với khoảng 270.000ha rừng tăng thêm).
Để có được con số này, từ năm 2016 đến nay, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ. Công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh đạt nhiều kết quả. Cả nước đã trồng bình quân 235.000ha rừng tập trung/năm. Bình quân 221.000ha/năm rừng trồng sản xuất và khoảng 14.000 ha/năm rừng đặc dụng phòng hộ. Bên cạnh đó, cũng đã trồng bình quân 63 triệu cây phân tán/năm và khoanh nuôi tái sinh bình quân 278.000ha/năm.
Những kết quả trên đã góp phần vào nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Cụ thể, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân từ 5,5 – 6,0%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt không ngừng tăng lên, mang lại 17,09 tỷ USD vào năm 2022, trong đó có sự đóng góp từ khoảng 80% nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung trong nước với sản lượng khoảng 20,5 triệu m3/năm.
Từ trồng rừng, gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, ngành lâm nghiệp đã gián tiếp góp phần vào xóa đói, giảm nghèo, thu hút trên 25 triệu lao động vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và dịch vụ để tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển sinh kế cho người dân.
Nâng cao tỷ lệ che phủ rừng chính là mục tiêu của phát triển môi trường bền vững, đây là một trong những chỉ tiêu được Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, mà trong đó lâm nghiệp chính là một ngành kinh tế vì môi trường dân sinh.
Trung tâm Thông tin du lịch