Giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những xu hướng cần thiết để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm, lấy “tôn trọng môi trường” làm nguyên tắc, ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên...
Phát triển du lịch bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên thiên nhiên... - Ảnh: VGP/DA
Rác thải nhựa: Thách thức đối với ngành du lịch
Theo TS. Nguyễn Trung Thắng - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa, chỉ có một phần được thu hồi để tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, còn một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.
Lượng chất thải nhựa và túi nylon của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nylon/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch: Làm suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long, trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng: 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Tuy Hòa (Phú Yên): 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; Rạch Giá (Kiên Giang): 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường.
Lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch khi chưa chịu tác động của đại dịch COVID-19 khoảng 116.144 (tấn/năm) vào năm 2019. Dự báo, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 là 336.400 (tấn/năm).
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019. Đây là áp lực rất lớn đến môi trường, đặc biệt tại các khu du lịch biển.
Việt Nam đã có đầy đủ những chính sách quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 có những nội dung như: Sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Hay Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung: Đến 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động VHTTDL…
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề rác thải nhựa trong du lịch vẫn là vấn đề nhức nhối và là thách thức đối với ngành du lịch.
Phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm, lấy “tôn trọng môi trường” làm nguyên tắc... - Ảnh: VGP/DA
Thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa
TS. Nguyễn Trung Thắng cho rằng, cần xây dựng các quy định, hướng dẫn cụ thể về lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; phân loại chất thải nhựa. Xây dựng quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với các loại bao bì, trong đó bao gồm cả bao bì nhựa. Quy định cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải nhựa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý.
Bên cạnh đó nên ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đối với các cơ sở kinh doanh du lịch cũng như khách du lịch; xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với UNDP Việt Nam triển khai Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam với mục tiêu tổng quát là: Thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch; nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Trong đó sẽ có các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa. Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai thí điểm tại một số nhà hàng,.. tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam.
Xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch; xây dựng và vận hành ứng dụng (apps) về quản lý rác thải nhựa.
Du lịch bản địa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đang thu hút du khách, tuy nhiên cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa - Ảnh: VGP/DA
Ưu tiên phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, chúng ta nên ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe…
Bên cạnh đó, tạo nhiều sản phẩm du lịch nổi bật, khác biệt, đặc sắc, có sức cuốn hút mạnh để nâng cao uy tín thương hiệu điểm đến Việt Nam. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đồng bộ trong ngành du lịch và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát triển du lịch trên cơ sở chủ động, có chiến lược, kế hoạch toàn diện và linh hoạt để ứng phó kịp thời và hiệu quả với rủi ro, khủng hoảng, tạo nền tảng cho phát triển bền vững ngành du lịch trong bối cảnh mới.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng đưa ra một số gợi ý trong phân bố không gian phát triển hệ thống du lịch quốc gia theo vùng như:
Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Du lịch về nguồn; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái núi, hồ thủy điện; du lịch địa chất…
Vùng đồng bằng sông Hồng: Du lịch văn hóa gắn với nền văn minh lúa nước; du lịch biển; du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; du lịch biên giới…
Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch hang động; du lịch về nguồn…
Vùng Tây Nguyên: Du lịch văn hóa dân tộc Tây Nguyên; du lịch sinh thái cao nguyên; du lịch địa chất; du lịch nông nghiệp công nghệ cao…
Vùng Đông Nam Bộ: Du lịch MICE; du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch cuối tuần…
Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Du lịch sinh thái (miệt vườn, sông nước); du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa lễ hội…
Diệp Anh