Với lợi thế là địa phương giàu tiềm năng về đất đai, môi trường, tài nguyên, có thế mạnh phát triển nông nghiệp, du lịch, huyện Mường La đã tích cực hỗ trợ việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thu hút nhiều nông dân, hợp tác xã tham gia để xây dựng và nâng tầm thương hiệu nông sản và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sản phẩm du lịch cộng đồng của HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến được công nhận OCOP đạt 4 sao.
Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2019 đến nay, huyện Mường La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, các hộ gia đình đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng và tham gia OCOP. Hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng phát triển chuẩn hóa 6 sản phẩm về thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác, quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế website... giúp các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX có thêm nguồn lực để hoàn thiện sản phẩm.
Đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm đạt OCOP; trong đó, gạo nếp than Ngọc Chiến, sản phẩm du lịch cộng đồng của HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, mật ong đá Chiềng Lao đạt 4 sao; thịt bò hun khói Thúy Sương, táo đại Hưng Thịnh, tinh dầu sả Java đạt 3 sao.
Sau khi được công nhận, các sản phẩm đã được tỉnh, huyện tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; tham gia trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của huyện tại các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Các hộ gia đình, HTX cũng chủ động hoàn thiện, nâng hạng sao cho sản phẩm đã đạt OCOP; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang được phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Điển hình trong các sản phẩm được công nhận OCOP là sản phẩm du lịch cộng đồng của HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến. Năm 2020, anh Lường Văn Xiên, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, xã Ngọc Chiến đã vận động liên kết thành lập HTX, đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà ở, nhà bếp và các công trình phụ để phục vụ nghỉ dưỡng. HTX đã đăng ký tham gia chương trình OCOP với mong muốn được công nhận, quảng bá thương hiệu.
Anh Lường Văn Xiên cho biết: HTX được huyện hỗ trợ 280 triệu đồng để lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng, chuẩn hóa sản phẩm và hoàn thiện các tiêu chí lĩnh vực du lịch của chương trình OCOP và được công nhận đạt 4 sao, nhiều du khách biết tới HTX nhiều hơn. Từ năm 2022 đến nay, HTX đã đón và phục vụ khoảng 30.000 lượt khách, thu nhập gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 100 thành viên, lao động địa phương có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Với mong muốn sản phẩm thịt bò hun khói đặc sản của dân tộc Thái được nhiều người biết đến, chị Lò Thị Thúy, chủ cơ sở sản xuất thịt bò hun khói Thúy Sương, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong đã đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong quá trình xây dựng sản phẩm chị được cơ quan chuyên môn tư vấn để hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm khi tổ chức đánh giá; sản phẩm thịt bò hun khói đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Lò Thị Thúy chia sẻ: Từ ngày sản phẩm thịt bò hun khói của cơ sở được công nhận OCOP cuối năm 2020 thì càng được nhiều người biết đến và tìm mua. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở đã có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh và bán ra một số tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và bán qua các trang mạng xã hội đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với giá từ 700.000-800.000 đồng/kg. Năm 2022, cơ sở chế biến, bán được hơn 900 kg thịt bò hun khói, thu lãi 400 triệu đồng.
Đánh giá về chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Từ việc tham gia chương trình OCOP, các hộ gia đình, HTX đã đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, huyện Mường La tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia chương trình, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP, phấn đấu năm 2023, toàn huyện có 2 sản phẩm Thúa ố Mường Chùm và trà đu đủ xã Mường Bú đạt OCOP cấp tỉnh, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thủy Ngân