Nhân Ngày Nước thế giới 22/3, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã khẩn thiết kêu gọi cộng đồng thế giới bảo vệ và gìn giữ rừng, nguồn tài nguyên sẽ cứu nhân loại khỏi “cơn khát nước” trong vòng vài thập kỷ nữa.
Rừng là nơi lưu giữ, tích trữ nước và đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nước sạch cho hàng triệu người. Vì vậy, bảo vệ và gìn giữ rừng sẽ góp phần giúp nhân loại thoát khỏi “cơn khát nước” trong thời gian tới đây.
Vừa qua, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế về Rừng lần thứ 11 tại Rome (Italy) nhằm đề cao vai trò của rừng trong phát triển bền vững. Sự kiện này cũng được hưởng ứng trên khắp thế giới.
FAO cho biết một trong những mục tiêu đặt ra trong sự kiện Ngày Quốc tế về Rừng 2023 là “đảm bảo môi trường lành mạnh, xã hội lành mạnh”, đồng thời nhấn mạnh “cần ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và quản lý bền vững các khu rừng trên thế giới vì rừng đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế, dinh dưỡng, đa dạng sinh học và ứng phó với các tác động của khủng hoảng khí hậu”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tổng giám đốc FAO, Qu Dongyu kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ rừng trên thế giới. Theo ông, các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các lĩnh vực công - tư, giới học giả cũng như mỗi cá nhân cần có những cam kết mạnh mẽ để khôi phục rừng thông qua quản lý rừng bền vững, qua đó mang lại lợi ích cho con người và cả hành tinh.
Theo dữ liệu của FAO, gần 1 tỷ người trên toàn cầu đang sống phụ thuộc vào rừng như một nguồn thực phẩm và dinh dưỡng. Rừng còn là một vùng đệm quan trọng chống lại các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, đa dạng sinh học trong rừng cũng giúp phát triển các phương pháp chữa trị nhiều bệnh.
Nêu dự báo vào năm 2015, 2/3 nhân loại có thể không đủ nước sạch để sử dụng và 1,8 tỷ người trên thế giới sẽ phải sống trong các khu vực hoàn toàn cạn kiệt nguồn nước, FAO khẳng định rừng sẽ lưu giữ, tích trữ nước và đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nước sạch cho hàng triệu người trong các đô thị lớn của thế giới.
Rừng là cơ sở hạ tầng của tự nhiên, có tác dụng làm giảm tác động của thiên tai (hạn hán, lũ lụt, lở đất), chống xói mòn đất, ngăn chặn nạn sa mạc hoá và mặn hoá đất đai, đảm bảo chất lượng hệ sinh thái cũng như nguồn nước cung cấp cho nhu cầu của con người. Nếu được sử dụng thích hợp, rừng sẽ là giải pháp khả thi nhất để cung cấp nước sạch cho 1/3 nhân loại đang sống trong các đô thị.
Jan McAlpine, Giám đốc Diễn đàn Liên Hợp Quốc về rừng nhấn mạnh: ngày nay, quản lý nguồn nước, quản lý rừng gắn bó hữu cơ với nhau và cần các giải pháp chính sách bao trùm bảo tồn cả 2 nguồn tài nguyên thiên nhiên sống còn này.
Hiện nay, 8% diện tích rừng trên thế giới được quy hoạch với mục tiêu hàng đầu là bảo tồn nguồn nước và đất. 330 triệu héc ta rừng khác được quy hoạch cho các mục đích bảo tồn đất và nước, ổn định các cồn cát, kiểm soát nạn sa mạc hoá, lở đất và bảo vệ bờ biển.
Vĩnh Hải (T/h)