Việt Nam tăng 7 bậc về năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch. Thông tin đó được đưa ra trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCR) năm 2009 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố mới đây. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi, lượng khách quốc tế đi du lịch ở hầu khắp các nước vẫn có xu hướng giảm thì đó là một tín hiệu vui đối với “ngành công nghiệp không khói” của nước ta.
Chỉ số này có mức tiến bộ như vậy là nhờ du lịch Việt Nam có ưu thế nổi trội về mức độ cạnh tranh giá và giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường trong lành ở các khu du lịch.
Những việc làm tốt cần được nhân rộng
Chủ động phòng, chống, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu du lịch nhằm thu hút khách du lịch được nhiều địa phương quan tâm đúng mức trong thời gian qua.
Bên cạnh xử phạt và tạm đình chỉ 10 nhà nghỉ, nhà hàng gây ô nhiêm môi trường, tỉnh Bình Thuận đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch ven biển ở Hòn Rơm, Hàm Tiến, Mũi Né... của thành phố Phan Thiết phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn vào cuối năm nay. Ngoài việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân địa phương, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) yêu cầu các cơ sở lưu trú và những người làm dịch vụ du lịch tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư thực hiện triệt để các biện pháp giữ gìn vệ sinh trong và ngoài di tích. Trong tuần lễ Festival Biển Nha Trang 2009, thành phố Nha Trang đã vận động người dân sinh sống dọc các khu phố ở ven biển chung tay thu gom rác để bảo vệ môi trường và tổ chức cuộc đi bộ “Vì hòa bình và biển xanh” thu hút sự tham gia của đông đảo du khách. Mỗi quý, doanh nghiệp Victoria Châu Đốc (An Giang) dành riêng một ngày để huy động mọi cán bộ, nhân viên và mời du khách cùng tham gia thu gom rác ở xung quanh khu vực công viên gần khu du lịch. Một số điểm du lịch ở khu vực TP Hồ Chí Minh như Đầm Sen, Suối Tiên đã đưa ra các biện pháp xử phạt kiên quyết đối với các hành vi xả rác bừa bãi.
Nhằm bảo vệ môi trường cho khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cùng với việc phát túi sinh thái tự hủy miễn phí cho du khách, Thành phố Hội An (Quảng Nam) đã phát động chiến dịch “Nói không với túi nilon” và cấp miễn phí gần 3.000 giỏ nhựa cho những hộ dân trên đảo Cù Lao Chàm dùng để đựng lương thực, thực phẩm trong sinh hoạt. Xã Tân Hiệp trên đảo Cù Lao Chàm còn thành lập một tổ công tác gồm 10 thành viên để “đến tận nhà, rà tận ngõ” làm công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm việc không sử dụng túi nilon ở mọi lúc, mọi nơi.
Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) mở chiến dịch “Làm xanh, sạch, đẹp cảnh quan môi trường du lịch” thông qua việc vận động, tổ chức cho các gia đình sinh sống dọc ven bờ và trên Vịnh Hạ Long tiến hành thu gom rác thải ở vịnh vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long cho biết:
- Việc làm này vừa góp phần nâng cao ý thức cho người dân đối với nhiệm vụ giữ gìn môi trường ở khu di sản thiên nhiên thế giới, vừa tạo thiện cảm và ấn tượng đối với du khách khi chọn Vịnh Hạ Long là điểm tham quan của mình.
“Tuần lễ môi trường văn hóa-du lịch 2009” được tổ chức đầu tháng 7 vừa qua tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của người dân và du khách trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Quốc Chương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định:
- Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, nhiều du khách quốc tế rất khắt khe trong việc lựa chọn điểm đến. Do vậy, việc tạo dựng môi trường sạch chính là lợi thế quan trọng để tạo sức hút đối với du khách quốc tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều.
Hướng tới một nền du lịch xanh
Với 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới (đứng đầu các nước Đông Nam Á) và 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước ở châu Á-Thái Bình Dương có tiềm năng lớn về du lịch. Muốn khai thác có hiệu quả tiềm năng này, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị du lịch, chúng ta càng phải chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong sạch để hướng tới một nền “du lịch xanh”.
Đề cập các giải pháp về phòng, chống ô nhiễm môi trường ở các khu du lịch trong thời gian tới, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh:
- Các địa phương trọng điểm về du lịch cần tăng cường chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà hàng, khách sạn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Đi đôi với việc khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch và có hệ thống xử lý rác thải phù hợp, các địa phương cần có biện pháp “mạnh tay” hơn đối với các nhà hàng, khách sạn, resort, khu vui chơi, giải trí gây ô nhiễm môi trường.
Còn bà Nguyễn Phương Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết: Ngành Du lịch đang triển khai xây dựng dự án “Nhãn sinh thái” cho các khách sạn từ 3 đến 5 sao nhằm tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp khách sạn ở nước ta thông qua việc quản lý hiệu quả tài nguyên, giảm chi phí hoạt động. Cùng với đó, Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp với Cơ quan quản lý môi trường Pháp (ADEME) sẽ giúp hàng nghìn khách sạn vừa và nhỏ Việt Nam áp dụng kỹ thuật tiết kiệm nước, năng lượng, giảm rác thải và bảo vệ môi trường sinh thái.
Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm đáng kể sức thu hút khách của ngành du lịch. Vì vậy, chủ động tạo ra sự thân thiện với thiên nhiên, môi trường và bầu không khí trong lành, an toàn - đó chính là điểm nhấn quan trọng nhất của “du lịch xanh” và cũng là nền tảng để du lịch Việt Nam phát triển ổn định và có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh nước ta hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng.