Du khách đến Lào Cai đã quen thuộc với Sa Pa, Bắc Hà hay Bát Xát... Tuy nhiên, bên cạnh đó, Lào Cai vẫn còn nhiều địa danh du lịch mang trong mình vẻ đẹp thuần khiết, yên bình, trong đó Văn Bàn là một huyện có nhiều tiềm năng chưa khai phá.
Huyện Văn Bàn cách thành phố Lào Cai khoảng 68km về hướng Nam đi theo đường quốc lộ 279. Phía Tây của huyện giáp với huyện Than Uyên, phía Đông giáp với huyện Văn Yên, phía Bắc giáp với thị xã Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên, phía nam giáp huyện Mù Cang Chải. Nơi đây chủ yếu là đồi núi, rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, chỉ có 10% là thung lũng. Dân số toàn huyện khoảng 90,000 người, bao gồm 11 nhóm dân tộc cùng sinh sống, tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú.
Tiềm năng của du lịch Văn Bàn
Trên địa bàn huyện Văn Bàn có 14 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Di sản “Khắp nôm” làn điệu dân ca của dân tộc Tày; Lễ hội “Lồng tồng” của người Tày; Lễ cầu làng “Áy lay” của người Dao… Huyện có 01 di tích lịch sử cấp Quốc gia được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Di tích lịch sử đền Ken (xã Chiềng Ken), khu di tích lịch sử Pú Gia Lan (xã Khánh Yên Thượng)… và rất nhiều điểm tham quan khác như: chiến thắng Đồn Khau Co xã Nậm Xé, chiến thắng Đồn Dương Quỳ xã Dương Quỳ, Trấn Hà xã Tân An. Văn Bàn hiện còn giữ được diện tích lớn rừng nguyên sinh ở các xã Nậm Tha, Liêm Phú, Nậm Xé… có đỉnh Lang Cung cao 2.913m nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ cùng với hệ sinh thái rừng đa dạng là điểm đến cho những du khách ưa trải nghiệm khám phá thiên nhiên và đi bộ dã ngoại.
Nhà sàn truyền thống vẫn là một điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch
Nhiều xã tại huyện Văn Bàn vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa, đặc biệt là dân tộc Tày và Dao đỏ. Tại các xã như Chiềng Ken, Dương Quỳ, Khánh Yên Trung… nhà sàn truyền thống cùng những nét đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực... vẫn là điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch.
"Văn Bàn là địa phương có rất nhiều tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng về văn hóa, về tự nhiên và nhiều tiềm năng khác chưa được khai thác. Du lịch tự nhiên của huyện Văn Bàn có dãy núi nằm dọc theo núi Hoàng Liên Sơn, vì vậy các lợi thế về rừng già, rừng tự nhiên giúp cho việc khai thác các sản phẩm về du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá rất tốt. Ngoài ra, với địa thế vùng cao, khí hậu trong lành và mùa hè rất mát, có nhiều sông, suối… đã tạo lợi thế cho phát triển loại hình du lịch tự nhiên", ông Dương Tuấn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai chia sẻ.
Xây dựng sản phẩm du lịch Văn Bàn gắn với điều kiện thiên nhiên, con người
Trước những tiềm năng và lợi thế sẵn có, mới đây, huyện Văn Bàn tổ chức Hội thảo khoa học Quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng nhằm tìm hướng khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tại nơi này trong thời gian tới.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: việc quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng nói riêng và chiến lược phát triển du lịch của huyện Văn Bàn nói chung là một trong những cách làm mới và mạnh dạn của huyện. “Định hướng phát triển du lịch của Văn Bàn là phải gắn với điều kiện thiên nhiên, gắn với con người và đặc biệt người dân là trung tâm tổng hòa mọi yếu tố để cùng phát triển bền vững. Đó là mục tiêu cốt lõi".
Cũng theo ông Vũ Hồng Phương, Văn Bàn là huyện đi sau về phát triển du lịch (so với Sapa, Bắc Hà...) nên cách lựa chọn tiếp cận phát triển du lịch cũng sẽ có những bước đi tính toán căn cơ, bài bản, trong đó xác định quy hoạch phải đi trước một bước. Thứ hai là phát triển du lịch phải gắn với việc phát huy bảo tồn văn hóa cảnh quan thiên nhiên để tạo ra sự khác biệt với các vùng miền khác, để du khách đến Văn Bàn không chỉ 1 lần mà còn lần hai, ba và nhiều lần nữa.
Xây dựng sản phẩm du lịch Văn Bàn gắn với điều kiện thiên nhiên, con người nơi đây
Văn Bàn bảo tồn giá trị văn hóa để thúc đẩy du lịch
Theo Quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng, khu vực trung tâm sẽ được phát triển thành 3 vành đai đô thị với các cao độ khác nhau, bao gồm vành đai trung tâm với trọng tâm là Nhà văn hóa dân tộc Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao. Vành đai 2 là hệ thống các khu ở và bản làng dân tộc. Vành đai 3 là hệ thống khu nghỉ dưỡng và resort.
Thị trấn Dần Thàng là một thị trấn xanh, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân, nâng cao sức khỏe của cư dân, được xây dựng với quy mô từ 2.000 - 2.500 dân và phục vụ tối đa 2.000 khách du lịch. Quy hoạch các điểm du lịch tại Văn Bàn lấy thung lũng Dần Thàng làm trung tâm sẽ phục vụ từ 200.000 - 400.000 lượt khách mỗi năm, với thời gian lưu trú trung bình từ 2-4 ngày.
PGS.TS Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng Khoa Du lịch- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, bản chất của du lịch liên kết là kết nối thời gian, không gian, dịch vụ và kết nối lợi ích, bao trùm lên đó chính là kết nối văn hóa. "Vậy Dần Thàng muốn trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai thì phải kết nối, kết nối cả về tài nguyên nguồn lực của địa phương với những điểm đến xung quanh và kết nối định hướng phát triển, với phương cách kinh doanh để tạo ra những sản phẩm. Tôi cho rằng nếu giải quyết được những điều này thì Dần Thàng hoàn toàn có thể tạo nên đột phá", PGS.TS Dương Văn Sáu khẳng định.
“Trên địa bàn tỉnh, tộc người Mông xanh chỉ có ở Văn Bàn với số dân ít nhất trong nhóm ngành dân tộc Mông. Người Mông xanh có nhiều lễ hội, phong tục, tập quán đặc sắc, trang phục, ngôn ngữ cũng có những nét riêng. Vì vậy, địa phương xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn, phục dựng để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông xanh... Bên cạnh đó, Văn Bàn cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh. Đền Ken trên địa bàn xã Chiềng Ken, đền Cô thuộc xã Tân An hằng năm đều được trùng tu và thu hút lượng khách ngày càng đông. Tới đây, huyện dự kiến tiếp tục trùng tu đền Ken, mở mới đường lên, tu bổ cảnh quan khuôn viên đền, sân lễ hội, bãi đỗ xe… làm sao khai thác hiệu quả tiềm năng này", ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai chia sẻ./.
Diệu Linh/VOV2