Hà Nội: Tăng sức hấp dẫn cho phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây

Cập nhật: 07/04/2023
Sau gần một năm hoạt động, tuyến phố đi bộ quanh hào Thành cổ Sơn Tây thu hút 420 nghìn lượt khách, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thị xã. Từ kết quả này, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, Hà Nội tiếp tục đổi mới để tăng sức hấp dẫn cho tuyến phố đi bộ.

Biểu diễn nghệ thuật bên kỳ đài Thành cổ Sơn Tây.

Cách đây gần một năm, vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thị xã Sơn Tây đã khai trương hoạt động tuyến phố đi bộ chung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã ba phố Quang Trung-Nguyễn Thái Học).

Trong thời gian mới đi vào hoạt động, phố đi bộ luôn trong tình trạng quá tải nhưng Ban chỉ đạo Đề án Phố đi bộ vẫn chưa yên tâm bởi Hà Nội đã có một số không gian đi bộ, trong số đó có nơi phải tạm thời đóng cửa vì vắng khách. Tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, phố đi bộ chung quanh hào Thành cổ Sơn Tây vẫn giữ được sức hút.

Buổi tối thứ bảy hằng tuần, khi thị xã bắt đầu lên đèn cũng là lúc người dân thị xã và các huyện lân cận: Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất... và rất nhiều khách từ tỉnh Vĩnh Phúc (nhất là các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường) đổ về không gian đi bộ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho biết: “Sau gần một năm thí điểm hoạt động tuyến phố đi bộ, đã có hơn 420 nghìn lượt khách đến tuyến phố này.

Trung bình mỗi tối hoạt động thu hút khoảng gần 10 nghìn lượt người. Những tối có các chương trình văn hóa nghệ thuật như tại đêm khai mạc tuyến phố đi bộ, đêm hội Trung thu Thành cổ, lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ, lễ hội khinh khí cầu, các hoạt động triển lãm nhiếp ảnh, nghệ thuật, cổ vật..., lượng khách đạt từ 25 nghìn đến 30 nghìn lượt người.

Để tạo nên sức hấp dẫn của phố đi bộ, thị xã Sơn Tây đã làm đường dạo, trồng cây xanh khu vực Thành cổ, nuôi 80 đôi chim bồ câu, trang trí 250 đèn lồng khu vực đường dạo, lấy nước vào thành... Không gian của tuyến phố đi bộ trở thành không gian của văn hóa nghệ thuật cộng đồng. Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao, Đoàn Thanh niên và các câu lạc bộ, hội nhóm nghệ thuật, các tổ chức chính trị-xã hội của thị xã chịu trách nhiệm tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại sân khấu trung tâm và các điểm sân khấu trong khu vực.

Vào những ngày lễ, Tết, còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Đến nay đã có 350 lượt biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Các hoạt động trò chơi dân gian như nặn tò he, viết thư pháp, vẽ truyền thần, nhảy sạp, kéo co, bóng bay nghệ thuật... được triển khai đa dạng, đều đặn hằng tuần.

Phó Trưởng ban Thường trực quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo cho biết: “Trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, thời gian qua, thị xã đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa và huy động được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân với kinh phí ước quy đổi lên đến hàng chục tỷ đồng. Hội viên các đoàn thể cũng nhiệt tình tham gia biểu diễn tại phố đi bộ, còn khách tham quan được thưởng thức những hoạt động văn nghệ”.

Bên cạnh đó, trong khuôn viên phố đi bộ, còn có các gian hàng bán đồ lưu niệm, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực xứ Đoài... Hiện tại khu phố đi bộ có 57 hộ gia đình tham gia kinh doanh. Hoạt động của phố đi bộ còn góp phần kích thích phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Từ khi triển khai tuyến phố đi bộ, lượng du khách lưu trú tại các điểm du lịch, nghỉ dưỡng chung quanh thị xã tăng từ 20 đến 30%. Vào những ngày cuối tuần, những khu du lịch như Glory resort, Làng Mít thường xuyên kín phòng.

Mặc dù đã thành công ngoài mong đợi, những hoạt động của tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vẫn còn những hạn chế nhất định như các không gian mua sắm, không gian ẩm thực đường phố còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách; hoạt động văn hóa, nghệ thuật chưa phong phú, hấp dẫn; thời gian, không gian tổ chức phố đi bộ còn hạn chế (mỗi tuần chỉ tổ chức vào tối thứ bảy)...

Chủ tịch Ngô Đình Ngũ cho biết: “Thị xã sẽ phối hợp chặt chẽ các doanh nghiệp, tổ chức đoàn, hội, đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... xây dựng các chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc, tổ chức các giải thể thao đường phố, các sự kiện âm nhạc. Đề nghị thành phố và các sở, ngành ưu tiên tổ chức các sự kiện lễ hội du lịch, văn hóa, thể dục thể thao lớn tại phố đi bộ Sơn Tây. Hiện thị xã đang triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và nhân dân về việc mở rộng phạm vi tuyến phố.

Dự kiến sẽ mở rộng toàn bộ tuyến đường chung quanh Thành cổ; nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức các khu ẩm thực đêm, khu vui chơi mua sắm tại các tuyến phố lân cận nhằm hình thành các không gian liên hoàn gắn với không gian tuyến phố đi bộ hiện có”.

Giang Nam

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 06/04/2023