Xác định phát triển du lịch là mục tiêu mũi nhọn, nhiều năm qua, TP. Hà Nội, thị xã Sơn Tây và nhân dân làng cổ Đường Lâm rất nỗ lực để phát triển du lịch, bảo tồn và tôn tạo nhà cổ, học hỏi cách làm các sản phẩm du lịch, bước đầu đã có nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định.
Người dân Đường Lâm giới thiệu sản phẩm truyền thống tới du khách - Ảnh: VGP
Du lịch là mục tiêu mũi nhọn
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho biết, là một trong những ngôi làng có truyền thống lịch sử lâu đời, Đường Lâm còn là nơi gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều ngôi nhà và công trình kiến trúc cổ có giá trị hàng trăm năm.
Cấu trúc của làng lại có những nét đặc trưng riêng như các thôn ở trung tâm nằm liền kề nhau, ranh giới quy ước giữa các thôn thường là các con đường bao thôn, giếng nước hay đền miếu, không có sự phân chia khép kín bởi những lũy tre hay cánh đồng.
Đây chính là các giá trị văn hóa cơ bản, đem lại hơi thở cho "di sản sống" Đường Lâm.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, hiện nay, lượng khách du lịch đến Đường Lâm khá đông và đa dạng, ngoài các đoàn khách nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử... thì hàng năm rất đông khách trong nước và quốc tế tham quan tìm hiểu văn hóa vùng miền, trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương...
Xác định phát triển du lịch là mục tiêu mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, do đó trong những năm qua, thị xã Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ. Tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, phát triển du lịch cho các hộ dân tại di tích, quản lý trật tự xây dựng, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn cho đội ngũ nhân lực làm công tác du lịch trên địa bàn.
Ngoài ra, phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và các công ty lữ hành tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tại làng cổ về cách làm các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, triển khai mô hình dịch vụ, du lịch Homestay tới các gia đình có nhà cổ, bước đầu đã có nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định.
Tháng 9/2019, di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch cấp Thành phố và trong tháng 11/2019, UBND Thị xã đã tổ chức lễ đón nhận và công bố quyết định điểm du lịch đồng thời khai trương đi vào hoạt động Website về du lịch Sơn Tây.
Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là một quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh), ngoài ra còn lưu giữ được gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng bắc bộ; 5 thôn trong khu vực di tích Làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống.
Các đại sứ và khách quốc tế trải nghiệm không khí Tết cổ truyền năm 2023 tại Làng cổ Đường Lâm - Ảnh: VGP
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ, tạo sinh kế cho người dân
Năm 2014, Hà Nội ban hành Đề án "Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm"; trong đó, hỗ trợ, đầu tư 15 nội dung như đầu tư tu bổ các di tích được xếp hạng đã bị xuống cấp, đầu tư tu bổ các ngôi nhà cổ bị xuống cấp, đầu tư bảo tồn phát huy giá trị di tích làng cổ với các nội dung như thiết kế mẫu nhà điển hình, hỗ trợ các hộ dân có nhà cao tầng hạ thấp độ cao và hỗ trợ lãi xuất tiền vay cho các hộ có nhu cầu xây dựng cải tạo nhà phù hợp với cảnh quan... với tổng kinh phí trên 456.000 tỷ đồng, riêng đầu tư dự án đất giãn cư (giãn dân làng cổ) là 258 tỷ đồng.
Trên cơ sở Quyết định trên, thị xã đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đến nay, đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích trên địa bàn xã Đường Lâm được 13 dự án. Các nội dung hỗ trợ người dân như miễn phí lập hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng, tư vấn thiết kế mẫu nhà điển hình phù hợp với quy hoạch được người dân tại di tích đồng tình, ủng hộ cao, đến nay đã thiết kế miễn phí cho người dân 243 bản thiết kế mẫu nhà với tổng kinh phí 895 triệu đồng.
Thị xã cũng quan tâm đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, bố trí nguồn lực để đầu tư cho 14 dự án với tổng nguồn vốn đã bố trí 152.000 tỷ đồng.
Các dự án được hoàn thành đều đã phát huy được hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, được nhân dân tại di tích đón nhận và ủng hộ; các dự án tu bổ tôn tạo các di tích (như đình Cam Thịnh, Đền và Lăng vua Ngô Quyền, các điếm giếng..), các nhà cổ bị xuống cấp được triển khai kịp thời đã góp phần giữ gìn bảo tồn đồng thời phát huy được giá trị của các di tích trong đời sống hiện đại ngày nay.
Hiện các điểm di tích và nhà cổ này vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng vừa là điểm thu hút đông đảo du khách tham quan du lịch đến tìm hiểu và nghiên cứu, trải nghiệm; đặc biệt phần lớn các nhà cổ được tu bổ trong Đề án hiện đang tổ chức các hoạt động du lịch phục vụ du khách góp phần tạo thêm thu nhập kinh tế cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, từ đó người dân đã ngày càng nâng cao ý thức về việc bảo tồn nhà cổ.
Dự án thiết kế 20 mẫu nhà điển hình định hướng xây dựng theo quy hoạch và nội dung hỗ trợ kinh phí hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng cho người dân tại di tích cũng được sự ủng hộ và đón nhận tích cực, những nội dung hỗ trợ này đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch tại di tích, làm thay đổi nhận thức của người dân về việc xin cấp phép xây dựng (trước kia người dân khi xây dựng chưa có ý thức làm các thủ tục xin cấp phép do khó khăn về kinh phí thiết kế), sau khi có nội dung hỗ trợ kinh phí thiết kế theo Đề án, thì hiện nay toàn bộ các hộ dân tại di tích khi tiến hành xây dựng đều có ý thức làm các thủ tục xin cấp phép xây dựng theo quy định.
Thực hiện triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo sinh kế cho người dân, thị xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ tại làng cổ ở Đường Lâm, khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch nhằm khai thác hiệu quả các giá trị của di tích Làng cổ ở Đường Lâm.
Ví dụ như triển khai một số dự án như: Bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, khoai lang, làm tương và các sản phẩm từ tương, các sản phẩm bánh kẹo truyền thống như: kẹo lạc, kẹo dồi...; xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại khu vực cổng làng Mông phụ xã Đường Lâm.
Tại khu vực này trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề, đặc sản của thị xã Sơn Tây, điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại khu vực cổng làng Mông Phụ được vận hành và hoạt động hiệu quả góp phần thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân; tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp và khách hàng; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ, phát triển sản phẩm tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, hiện nay thị xã cũng đang xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ người dân tại Đường Lâm phát triển sản xuất và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm tương, sản phẩm Bánh gai Đường Lâm để cung cấp cho nhân dân và du khách.
Một trong những ngôi nhà truyền thống tại làng cổ Đường Lâm - Ảnh: VGP/Gia Huy
Cần tiếp tục các chính sách tạo sinh kế cho người dân
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục như đa số người dân tại di tích chưa được thụ hưởng và có lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch dẫn tới gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, chưa khuyến khích được ý thức tự bảo tồn và phát huy giá trị di tích của người dân.
Lượng khách du lịch đến với di tích còn hạn chế, việc kết nối các tour du lịch chưa đồng bộ, manh mún, tự phát; hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe, khu nhà đón tiếp, trưng bày giới thiệu, hệ thống biển bảng còn thiếu, các sản phẩm du lịch dịch vụ còn ít và nghèo nàn; môi trường văn hóa, việc ứng xử giữa người dân với khách du lịch còn chưa chuyên nghiệp...
Việc phối hợp các điểm du lịch trên các địa bàn lân cận để xây dựng các tour tuyến tham quan tại làng cổ gắn với các di tích trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận còn hạn chế, chưa đa dạng.
Ngoài ra, hệ thống cảnh quan đường làng ngõ xóm, cảnh quan cây xanh, rặng tre,... một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bộ mặt cảnh quan của di tích cũng đang ngày một bị xuống cấp, thu hẹp hoặc dần mất đi. Hệ thống ao hồ tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn di tích đang bị ô nhiễm do hệ thống thoát nước thải khu dân cư đang xả trực tiếp hàng ngày làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân, phá vỡ cảnh quan của di tích…
Làng cổ Đường Lâm mang tính đặc thù là "một di tích sống" nên trong quá trình quản lý, bảo tồn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn. Để có thể tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, ông Nguyễn Đăng Thạo kiến nghị Thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị ST4 để Thị xã có cơ sở thực hiện đầu tư, quản lý và bảo tồn phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm.
Ngoài ra, đề nghị Thành phố xem xét tiếp tục ban hành Đề án "Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm giai đoạn 2023-2028" thay thế năm 2014 đã hết hiệu lực và có chính sách hỗ trợ về dạy nghề, khuyến nông, khuyến công tạo sinh kế cho người dân để người dân có thể sống được trong di tích từ đó góp phần quay lại bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Gia Huy