Hang Con Moong - một di chỉ khảo cổ và tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử

Cập nhật: 11/08/2009
Nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, có độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) là một di chỉ khảo cổ học độc đáo với nhiều điều bí ẩn. Bên cạnh những đợt khai quật khảo cổ học của các nhà khoa học trong nhiều năm qua, nơi đây còn đón rất nhiều lượt du khách trong, ngoài nước, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.

Được bảo vệ nghiêm ngặt, hang Con Moong còn giữ được nét hoang sơ, với hệ thống động, thực vật khá phong phú. Trong hang còn hằn rõ dấu tích của người tiền sử, các vết tích của những đợt khai quật. Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang hầu như còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn. Đặc biệt, tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã như: khỉ, gấu, hoẵng, nai rừng...

Để đến với hang Con Moong, du khách có thể đi bằng nhiều tuyến đường khác nhau. Những người yêu thích khám phá rừng Quốc gia Cúc Phương thì có thể băng qua đường rừng này (theo sự hướng dẫn của các tour du lịch từ tỉnh Ninh Bình) để vào hang. Nếu đi đường bộ, xuất phát từ TP Thanh Hóa lên thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành) theo quốc lộ 1A, 217, bạn sẽ tiếp tục vào xã Thành Yên để đến với hang này. Còn nếu du khách từ Hà Nội vào, hoặc từ các tỉnh phía Nam ra trên đường Hồ Chí Minh thì đến đoạn qua xã Thạch Quảng (Thạch Thành) sẽ có đường vào hang (khoảng 10km).

Theo các tài liệu khảo cổ học, hang này được phát hiện vào năm 1975 và được khai quật hầu như toàn bộ trong năm 1976. Tầng văn hóa trong hang rất dày (khoảng từ 3 đến 3,2m), chứa đựng vết tích văn hóa của nhiều thời đại, từ đá cũ, qua đá mới. Kết quả phân tích bằng phương pháp Carbon (C14) trên 10 mẫu của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định niên đại của lớp sớm nhất là cách đây khoảng 15.000 năm, lớp giữa là khoảng 10.000 năm, lớp trên là khoảng 7.000 năm.

Giá trị nổi bật nhất của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.

Những di tích liên quan như động người Xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long, hang Lai... quanh khu vực cùng với hang Con Moong tạo thành quần thể di tích cho thấy một cộng đồng dân cư cư trú trong một thung lũng rộng lớn, có sự thay đổi về dân số, vị trí cư trú và phương thức sản xuất. Chính các cư dân ở đây đã góp phần tạo dựng nên văn hóa Đa Bút (huyện Vĩnh Lộc) - là văn hóa của cư dân đầu tiên chiếm lĩnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ, tạo dựng nên một nền văn hóa ngoài trời.

Có thể nói, hang Con Moong đặt trong quần thể của Vườn quốc gia Cúc Phương còn nguyên vẹn, hoang sơ và kỳ bí, cùng với cuộc sống của cư dân bản địa (dân tộc Mường), với những nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, giao tiếp sẽ là một trong những 'điểm nhấn' để thu hút khách du lịch đến với nơi đây.

Từ năm 2009 đến 2010 ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa hang Con Moong để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề cử hang này với UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tổng kinh phí dự toán thực hiện hồ sơ khoa học này được phê duyệt là hơn 4,4 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách.

 

Nguồn: Du lịch Thanh Hóa