Chùa Hang, tên chữ là “Thiên Khổng Thạch tự” (nghĩa là chùa đá trời sinh) nằm ở đảo Lớn (xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Chùa nằm trong hang lớn nhất của hệ thống hang động dưới núi Thới Lới. Chùa được lập dưới triều vua Lê Kính Tông (trị vì từ 1599 - 1619), bởi ông Trần Công Thành - một trong những người khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa.
Chùa Hang trên đảo Lý Sơn.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần Cù Lao Ré (tức đảo Lý Sơn) có chép về chùa Hang: “Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên hữu động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển thì dân phường ẩn nấp nơi đây”.
Chùa Hang có nguồn gốc là ngôi đền của người Chăm Pa thờ các vị thần Bà La Môn. Khi người Việt đến tiếp quản và khai phá đảo Lý Sơn vào thế kỷ XVI, chùa thành nơi tu tiên và sau này thành nơi thờ Phật. Chùa Hang nằm ở vị trí thấp, sát mực nước biển. Vì thế, đi theo con đường trên núi, muốn tới hang phải qua một thang dài xuống dốc mới tới sân chùa. Từ sân chùa lại qua một cấp bậc thấp nữa mới vào bên trong lòng hang. Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen đặt tượng Phật. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trước chính diện chùa Hang có giếng trời. Hang rộng khoảng 20m, sâu 24m, trần cao trung bình 3,2m. Toàn bộ lòng hang có diện tích 480m². Khí hậu bên trong hang luôn mát mẻ.
Trong hang có bàn thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa; bàn thờ Giám Trai, Ngũ Lôi, Tiền Vãng ở bên trái; bàn thờ 12 Diêm vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa và 7 vị tiền hiền làng An Hải ở bên phải. Các bệ thờ được tạo tác từ nhũ đá tự nhiên ở nền hang, rồi được gia công thành các khám thờ. Những bệ thờ này là dấu tích của người Chăm Pa để lại. Đặc biệt, bên trong chùa còn có 2 lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân địa phương gọi là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”, gắn liền với truyền thuyết tu tiên của những người họ Trần thời kỳ đầu khai phá đảo.
Hằng năm, vào các dịp lễ tết, lễ Phật đản, Vu Lan, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... nhân dân địa phương thường đến chùa làm lễ, tụng kinh niệm Phật. Riêng tộc họ Trần trên đảo Lý Sơn làm lễ giỗ tổ long trọng tại chùa Hang vào các ngày 10 tháng Ba và ngày 8 tháng Tư.
Chùa Hang là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú có sự tạo tác của con người, là nơi ghi dấu ấn quá trình lập nghiệp và xây dựng đảo Lý Sơn của người Việt. Năm 1994, chùa Hang đã được xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia.
Đức Anh