Chủ trương phát triển du lịch xanh, gìn giữ giá trị bản địa đặc trưng độc đáo của tỉnh Quảng Nam đã được chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng tích cực, bước đầu tạo ra một số sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trong nước và nước ngoài. Tuy vậy, việc phát triển du lịch xanh vẫn còn nhiều thách thức khi khách quốc tế quay trở lại Việt Nam hậu đại dịch Covid-19 chưa nhiều, nguồn lực tài chính, lao động lĩnh vực du lịch bị đứt gãy… đòi hỏi xứ Quảng phải có những bước đi phù hợp.
Những con đường nhỏ ở Hội An luôn được người dân giữ gìn xanh mát (Ảnh: Duy Hậu)
Những năm gần đây, Quảng Nam đã có chủ trương đầu tư phát triển du lịch xanh và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch. Sau khi kết thúc thành công Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, xứ Quảng tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, hướng đến xây dựng trung tâm du lịch xanh tầm cỡ quốc gia.
Tài nguyên - lợi thế phát triển du lịch xanh
Nằm ở vùng du lịch trọng điểm của cả nước, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, lịch sử để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Xứ Quảng không chỉ là địa phương duy nhất của cả nước sở hữu hai Di sản văn hóa thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn), mà còn có nhiều di sản nổi tiếng khác như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An) Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận - Nghệ thuật Bài chòi. Cùng với đó, Quảng Nam có bờ biển dài 125km với nhiều bãi tắm nổi tiếng, gần 70 lễ hội, hàng trăm làng nghề truyền thống, gần 500 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đó là lợi thế của xứ Quảng để phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh.
Sau đại dịch Covid-19, thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi. Việc lựa chọn điểm đến, sản phẩm du lịch được du khách quốc tế chú trọng hàng đầu. Điều đó đòi hỏi chính quyền địa phương, các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ phải không ngừng đầu tư, đổi mới sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng; tăng cường công tác quảng bá, thu hút và bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, ngay sau khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, cùng với triển khai các phương án và mở cửa đón khách quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5177/KH-UBND (ngày 10/8/2021) về phát triển du lịch xanh đến năm 2025; đồng thời ban hành “Bộ tiêu chí du lịch xanh”. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực này, địa phương đã được Trung ương chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 - “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Để phát triển du lịch đạt kết quả cao, Quảng Nam đã đề ra những giải pháp, lộ trình cụ thể. Năm 2022, thành phố Hội An được tỉnh xây dựng mô hình du lịch xanh thí điểm theo “Bộ tiêu chí du lịch xanh”, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân… học tập, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, thành phố đã ban hành nhiều chính sách phát triển bền vững như “Xây dựng thành phố Hội An - Thành phố sinh thái”, triển khai dự án “Nâng cao nhận thức đối với chất thải rắn”, thực hiện phân loại rác tại nguồn và giảm việc sử dụng túi ni-lông. Bà Phạm Thị Linh Chi, chủ một villa du lịch ở Hội An chia sẻ: “Hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch xanh, chúng tôi tuyên truyền, huấn luyện cho nhân viên giảm đến mức thấp nhất việc dùng bao bì, hộp nhựa một lần, tận dụng rác để làm phân hữu cơ bón cho cây xanh trong khuôn viên. Từ đó, giúp cho nhân viên dần từ bỏ thói quen sử dụng túi nhựa và nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường”.
Tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, từ khi Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã mở ra nhiều cơ hội cho Quảng Nam trong phát triển du lịch.
Thế nhưng, lượng du khách đông đã gây quá tải và nhiều khó khăn trong quản lý, khai thác và bảo tồn giá trị các di sản này. Để giảm tình trạng quá tải tại các di sản, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, thu hút và giữ chân du khách dài ngày hơn, tỉnh đã có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân mở rộng du lịch ra vùng lân cận, vào phía nam và ngược lên khu vực miền núi phía tây của tỉnh.
Cuối năm 2018, Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch miền núi đến năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tổng kinh phí hơn 121 tỷ đồng cho việc lập quy hoạch, kế hoạch; đầu tư hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch...
Đến nay, các huyện miền núi đã xây dựng các điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Trong số này, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời-Đông Giang (huyện Đông Giang) được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất - tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng. Bà Võ Ngọc Anh, Tổng Giám đốc FVG Travel (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời-Đông Giang) cho biết, đến nay, dự án đã xây dựng xong giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư đã đưa vào khai thác tổ hợp lưu trú, nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn 4 sao, với quy mô 270 phòng cùng hệ thống nhà hàng. Từ khi mở cửa đón khách (tháng 4/2022) đến nay, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời-Đông Giang đã đón hơn 60 nghìn lượt khách, tạo việc làm cho gần 250 lao động, trong đó 83% là người Cơ Tu bản địa.
Ngoài khu du lịch này, hiện có nhiều điểm du lịch sinh thái ở miền núi đã đưa vào khai thác như: Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (huyện Đông Giang); làng dệt thổ cẩm Zara (huyện Nam Giang); rừng cây di sản Pơmu; rừng Đỗ Quyên và Làng du lịch cộng đồng Tà Lang (huyện Tây Giang); Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước)...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương cho biết, từ khi được công nhận là một trong bốn làng cổ đầu tiên của cả nước, Làng cổ Lộc Yên trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở miền núi Quảng Nam. Mới đây, sự kiện “Ngày hội Làng cổ Lộc Yên” (diễn ra trong ba ngày), đã thu hút hơn 30 nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các ngôi nhà cổ và thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc trưng của miền núi xứ Quảng, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương.
Điều đáng nói, từ điểm du lịch sinh thái Làng cổ Lộc Yên, du khách có thể tham quan các điểm du lịch lân cận như: Danh thắng Lò Thung (nằm dọc sông Đá Giăng); Khu di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, ngõ đá Xóm Bàu-Thạnh Bình (huyện Tiên Phước)... Từ đây, du khách cũng có thể đến tham quan quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ-Nước Oa (huyện Bắc Trà My), Khu vườn Sâm (huyện Nam Trà My), Khu du lịch hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh), Địa đạo Kỳ Anh và biển Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ)...
Và từ đó, có thể gắn kết với các điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề phía đồng bằng như: Làng rau Trà Quế; Làng gốm Thanh Hà; Làng mộc Kim Bồng; Làng dừa Cẩm Thanh (thành phố Hội An); Làng Du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên)... giúp du khách trải nghiệm, khám phá di tích lịch sử, truyền thống văn hóa, phong cảnh và cuộc sống của người dân địa phương.
Ngành du lịch Quảng Nam đang phục hồi mạnh mẽ, lượng du khách đến tham quan và trải nghiệm tăng đáng kể. Trong ba tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên địa bàn xứ Quảng đạt 1,63 triệu lượt (tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, khách quốc tế đạt 765.000 lượt (tăng gấp 85 lần).
Tuy đạt kết quả bước đầu, nhưng việc phát triển du lịch xanh vẫn còn nhiều khó khăn. Sau ba năm bị tác động của dịch Covid-19, lực lượng lao động trong ngành du lịch đã có sự dịch chuyển rất lớn, nhiều nhân lực trong ngành đã chuyển sang làm công việc khác, nhiều doanh nghiệp du lịch giải thể, hoạt động cầm chừng. Do đó, Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp để hồi phục và thu hút khách du lịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, mới đây, tỉnh đã ban hành kế hoạch thu hút, đón khách quốc tế trong giai đoạn mới. Theo đó, địa phương rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp; hình thành các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn và tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như: Festival biển, festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố... Tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên đặc trưng, độc đáo của từng vùng, từng địa phương.
Trước mắt, tỉnh sẽ thu hút các nguồn lực xã hội để chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, ổn định lại nguồn nhân lực; thúc đẩy hình thành các liên minh liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, địa phương, điểm đến trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các chiến dịch marketing số trên các nền tảng mạng xã hội; phát triển các website giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng nước ngoài để tiếp thị tới thị trường mục tiêu.
Song song đó, tỉnh tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, tạo lập môi trường du lịch thân thiện, an toàn và trách nhiệm, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển ngành du lịch xanh và bền vững.
Ngay sau khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, cùng với triển khai các phương án và mở cửa đón khách quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5177/KH-UBND (ngày 10/8/2021) về phát triển du lịch xanh đến năm 2025; đồng thời ban hành “Bộ tiêu chí du lịch xanh”. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực này, địa phương đã được Trung ương chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 - “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng
|
Tấn Nguyên