Từ tháng 7/2005, chính phủ Singapore đã quyết định tổ chức các tour du lịch sinh thái cho người dân đến quần đảo Semakau với thông điệp: “Nơi đây thật tuyệt, nhưng nếu bãi rác phải mở rộng, sẽ có nhiều thứ bị tàn phá. Hiểu được điều này, mọi người sẽ ý thức và xả rác ít hơn!”. Cơ quan môi trường của Singapore cũng khẳng định sự đa dạng sinh học của nơi đây cho thấy sự phát triển kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường là hoàn toàn có thể song hành và bãi rác Semakau có thể là mô hình phát triển bền vững.
Tổ hợp xử lý rác thải Semakau được xem là bãi rác sinh thái ngoài biển đầu tiên trên thế giới. Rộng khoảng 3,5km2 gồm hai hòn đảo nhỏ là Pulau Semakau và Pulau Sakeng nằm gần nhau. Người ta cho xây một bờ kè dài 7km như một bức tường thành để nối hai đảo và ngăn cách phần biển quanh hai hòn đảo này với biển khơi bên ngoài. Phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ. Rác được đổ vào các ô này đến khi đầy, hết ô này đến ô khác, hết năm này sang năm khác. Bãi rác có 11 hố chứa rác, được phủ bằng chất dẻo và đất sét nhằm ngăn chặn các chất thải độc hại lan ra biển.
Từ đầu thập niên 1990, khi các khu chứa rác trong đất liền đã không còn chỗ trống, chính quyền Singapore đã quyết định xây dựng bãi rác Semakau. Đưa vào sử dụng từ năm 1999, đến nay bốn trong số 11 hố rác đã được lấp đầy, phần miệng hố được phủ kín bằng những bãi cỏ xanh tươi. Tổ hợp trị giá 400 triệu USD này có thể chứa tới 63 triệu m3 rác, đủ đáp ứng nhu cầu chôn rác của Singapore cho đến tận năm 2040.
Điểm khác biệt với các bãi rác khác là Semakau hoàn toàn sạch và không hề có mùi… rác. Phần lớn lượng rác hàng ngày chuyển về nơi đây đều đã được qua xử lý tại lò đốt khiến khối lượng giảm chỉ còn khoảng 10%. Rác thải xây dựng được xử lý, các chất thải độc hại được bọc kỹ, không thể thoát ra ngoài môi trường. Xung quanh các hố rác là màu xanh của rừng đước. Không chỉ làm sạch môi trường, những cây đước cũng có tác dụng như một chiếc nhiệt kế sinh học của đất đai trên đảo. Nếu chất thải độc hại từ rác chôn rò rỉ ra ngoài, những cây đước sẽ bị héo và chết. Trước đó, nhiều nhà khoa học không tin chúng có thể sống nổi trong khu đất chứa đầy rác như vậy. Nhưng đến nay, 1,4km trên đảo đã được rừng đước che phủ, không hề thấy hiện tượng chất độc bị rò rỉ.
Cùng với những thảm cỏ biển, những rặng san hô trải dài và bờ cát trắng thơ mộng, rừng đước với màu xanh bạt ngàn và chức năng đặc biệt của nó đã biến Semakau thành một khu sinh thái đa dạng, phong phú. Ông Wang Luan Keng, quan chức Bảo tàng nghiên cứu đa dạng sinh học Raffles (RMBR), cho biết “Sự xuất hiện của bãi rác không hề ảnh hưởng đến đời sống của bất kỳ loài sinh vật nào trên đảo”. Hơn thế, thời gian gần đây, các nhà khoa học Singapore đã phát hiện khá nhiều loài cá, chim và cây cối lạ trên quần đảo này.