Là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp đã tận dụng tiềm năng sẵn có để tạo kinh tế tuần hoàn, xanh hóa; phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch xanh, nỗ lực thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của du khách.
ĐồngTháp là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển du lịch xanh. (Ảnh minh họa: PĐ)
Năm 2023, tỉnh phấn đấu thu hút 3,6 triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.600 tỷ đồng, tạo tiền đề thuận lợi cho những năm tiếp theo nhằm sớm đưa Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Để làm được điều đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, tỉnh quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người dân; đồng thời bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chất lượng môi trường bản địa, truyền thống, bản sắc văn hóa được gìn giữ, phát huy.
Theo đó, Đồng Tháp đã tận dụng tiềm năng sẵn có để tạo kinh tế tuần hoàn, xanh hóa; phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch xanh, nỗ lực thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của du khách.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đang đẩy mạnh việc xây dựng và cơ cấu lại sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, trong đó chú trọng du lịch nông nghiệp, tận hưởng sinh thái, trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp; khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa Sa Đéc, cây sen và các sản phẩm từ sen.
Nhờ vậy, du lịch tỉnh Đồng Tháp ngày càng phát triển, đặc biệt là du lịch xanh. Trước đây, tỉnh Đồng Tháp chỉ có 84 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Đến cuối năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt thêm 70 địa điểm mới vào quy hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ các điểm này mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch nông nghiệp…/.
PĐ