Ở miền thượng nguồn sông Chảy - vùng đất cổ nhất của tỉnh Lào Cai - bốn mùa ngút ngàn sương trắng quyện mây ngàn, Si Ma Cai được ví như "thiếu nữ sơn cước" mộc mạc mà đằm thắm, hồn hậu mà quyến rũ, níu chân du khách bốn phương. Nơi đây đá nhiều hơn đất, đá dựng thành đắp lũy, sừng sững uy nghi mà huyền ảo mộng mơ mỗi khi sắc trắng tinh khôi mùa hoa lê Tai Nung, mận Tả Van bung nở, gọi mời...
Tháng 4, chúng tôi theo quốc lộ 70 và tỉnh lộ 159 trải nhựa, vắt vẻo qua núi cao thung sâu, vượt qua những cánh rừng sa mộc đẹp như tranh vẽ ở Lầu Thí Ngài, vi vút thanh âm réo rắt khi cơn gió núi chợt luồn qua tàng lá kim xanh thẫm, rồi vượt "cổng trời" Cán Cấu để chạm vào đất Quan Hồ Thẩn (ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển) - thủ phủ của lê Tai Nung và mận Tả Van ngon nổi tiếng của vùng đất cổ.
Ký ức miền đất cổ
Dọc đường từ thị trấn Pạc Kha (huyện Bắc Hà) lên Si Ma Cai trùng điệp màu xanh non mướt của những triền đồi lê, mận mới qua kỳ bung hoa, thụ phấn, giờ đang ken dày tầng lá xanh mỡ màng chuẩn bị nuôi quả ngọt. Vào kỳ trổ hoa, cả vùng đất cổ Si Ma Cai chìm trong sắc trắng như tuyết, tinh khôi kỳ vĩ và thơ mộng, du khách bốn phương dập dìu trong "biển trắng" màu hoa lê Tai Nung và mận Tả Van, đẹp như tranh vẽ nơi "đỉnh trời" Quan Hồ Thẩn, được coi là thủ phủ hoa lê và mận ở vùng đất thượng nguồn sông Chảy. Si Ma Cai theo tiếng H’Mông là "xênh mùa ca", nghĩa là chợ ngựa mới.
Ở vùng "thừa đá thiếu đất", dốc núi cheo leo, thung sâu hiểm trở thì con ngựa là bảo vật của đồng bào H’Mông, Dao, Tày, Nùng… để thồ hàng hóa đến chợ phiên, đi thăm bạn bè "cố tỷ", đi hội Say Sán đầu xuân "đắm rượu ngô say tình nồng" bên nồi thắng cố nghi ngút. Già làng ở đây kể rằng, ngày ấy mọi người từ khắp bản làng rẻo cao núi đá xuống chợ, buộc ngựa ở tràn đất ấy, tiếng hí vang trời, bụi tung mù đất.
Thế rồi, một hôm xuất hiện con ngựa lạ, theo huyền tích thì con ngựa ấy là do Rồng của nhà trời đi kinh lý, thấy cảnh bồng lai nên hóa thành con ngựa to cao lừng lững, trông khác lạ so với ngựa thồ bình thường. "Sin Ma Cai" nghĩa là chợ có con ngựa lạ, thế rồi khi lập huyện, tên Sin Ma Cai viết thành Si Ma Cai, thành tên huyện như bây giờ...
Nhìn lên bản đồ, Si Ma Cai nom như hòn cuội mới được tách ra từ lớp trầm tích của đất đá, vẫn còn dấu tích thô nhám của "tạo sơn lập địa", với những núi cao, khe sâu, những cánh rừng đá xám bạt ngàn. Theo các nhà địa chất, địa hình Si Ma Cai thuộc khối nông vòm sông Chảy, là vùng đất có độ tuổi cổ nhất trong nền cấu tạo địa tầng miền núi phía bắc Việt Nam.
Sống trên điệp trùng núi đá ấy, người dân Si Ma Cai chịu khó và can trường, nơi đây sản sinh ra những con người đã đi vào huyền thoại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong suốt chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước, trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc nơi rẻo cao biên giới, bốn mùa mây phủ.
Thào Seo Xà, người dân tộc H’Mông, cán bộ văn hóa xã Lử Thẩn, đôi mắt hiền con gái, điều khiển chiếc xe máy chạy số tay gầm gào, phụt khói trắng, lên dốc xuống đèo, luồn trong tán lê, mận xanh mướt, quả non lúm nhúm đầu cành đưa chúng tôi đến thành cổ Lùng Thẩn. Trước mắt chúng tôi là "kiệt tác thành quách" tự nhiên được "tinh chỉnh" qua bàn tay, khối óc của con người trên vùng địa đầu biên giới thượng nguồn sông Chảy.
Thành cổ Lùng Thẩn nằm giữa khe núi, được bao bọc bởi những "tấm khiên đá" tự nhiên và tường thành đá xếp do nghĩa quân Giàng Chẩn Mìn và đồng bào các dân tộc giàu lòng yêu nước, kiên cường, bền bỉ dựng lên để chống giặc phương bắc (Lưỡng Quảng) và tiễu phỉ năm nào. Sau khi Giàng Chẩn Mìn qua đời do bệnh nặng, người em Giàng Chẩn Hùng tiếp tục phất cao ngọn cờ chống xâm lược, tiễu phỉ phương bắc, củng cố thành trì, vừa tổ chức sản xuất, vừa chiến đấu giữ đất bảo vệ dân và anh dũng hy sinh ngay trong thành đá quê hương.
Yêu quý và kính phục, người dân Seng Sui xứ "xênh mùa ca" xẻ đá núi xây mộ hai ông ngay trong thành lũy cổ, để ngày ngày các ông vẫn cùng người dân nơi đây trường tồn cùng đất đai, cây trái quê hương. Thắp nén hương thơm trên ngôi mộ các ông, càng biết ơn và tự hào về đất và người xứ "xênh mùa ca" đẹp đẽ, kiên cường; hiểu sâu thêm về mỗi tấc đất biên cương từng thấm máu đào của bao thế hệ cha ông đi trước.
Hoa lê trắng níu chân người
Quan Thần Sán trước đây là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, được mệnh danh là "nóc nhà" của huyện Si Ma Cai, ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển. Theo tiếng đồng bào địa phương, Quan Thần Sán nghĩa là "cánh đồng trên núi do thần nhà trời cai quản". Nhớ năm nào, đưa anh bạn ở Hà Nội lên "cánh đồng nhà trời" Quan Thần Sán mùa hoa lê nở trắng núi đồi, bồng bềnh trong mây quyện ngang núi đá, chúng tôi đã quên cả ăn vì mải mê ghi vào ống kính những bức họa thiên nhiên đẹp như tranh thủy mặc, với những tà váy thổ cẩm của thiếu nữ H’Mông rực rỡ sắc mầu ẩn hiện giữa "biển" hoa lê trắng tinh khôi.
Quan Thần Sán nay đã sáp nhập với Mản Thẩn và Cán Hồ thành xã Quan Hồ Thẩn, được coi là thủ phủ lê ngọt của xứ "xênh mùa ca" núi cao, mây trắng. Hôm chúng tôi đến, Tráng Seo Xà, chàng trai H’Mông vạm vỡ, hồn hậu đón khách từ đầu rừng lê đang kỳ quả non, trổ tàng lá xanh nõn ngút tầm mắt. Ngồi trong căn nhà mới xây còn thơm mùi sơn mới, bên ấm trà hoa tam thất nổi tiếng xứ này, Tráng Seo Xà nhớ về những ngày tháng gian khó đưa cây lê Tai Nung VH6 có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) bén rễ trên mảnh đất Lao Chải "thừa đá thiếu nước", hằng năm chỉ hai mùa nắng cháy và rét buốt, nơi chỉ có người H’Mông can trường sinh sống.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Công đoàn Hà Nội, Tráng Seo Xà trở về quê ở thôn Lao Chải lập nghiệp. Anh tham gia công tác Đoàn Thanh niên ở địa phương, sau đó được cấp ủy và lớp trẻ tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Quan Hồ Thẩn. Nhận thấy đất dốc, thiếu nước tưới nhưng bù lại khí hậu lạnh, nhiều sương mù, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn thích hợp với cây lê Tai Nung VH6 đã được trồng khảo nghiệm thành công ở Bắc Hà (Lào Cai), Tráng Seo Xà đề nghị với cấp ủy và chính quyền xã tiên phong đưa cây lê Tai Nung VH6 về Quan Hồ Thẩn.
Từ thành công của mình, với hơn 600 gốc lê, hằng năm thu hoạch bán ra thị trường được hàng trăm triệu đồng, Tráng Seo Xà vận động và hỗ trợ giống, kỹ thuật cho hàng chục đoàn viên, thanh niên khác, tiêu biểu như Tráng Seo Sênh, Sùng Seo Sèng, Cư Seo Dùng, Thào Seo Lù… trồng lê thay vì trồng ngô, mở rộng diện tích loại cây này. Đến nay, toàn xã Quan Hồ Thẩn có hơn 200 ha, với hàng chục nghìn cây lê đang trổ hoa và kết trái ngọt, trở thành "thủ phủ" lê ngọt của huyện Si Ma Cai và tỉnh Lào Cai.
"Hữu xạ tự nhiên hương", từ quả lê chất lượng cao, du khách các nơi tìm đến mùa hoa nở trắng đồi du xuân, Tráng Seo Xà đề xuất với lãnh đạo xã và huyện tổ chức "Lễ hội hoa lê" hằng năm, thu hút rất đông du khách trong nước và nước ngoài tìm đến du ngoạn mỗi mùa hoa nở trắng núi đồi; kéo theo đó người dân địa phương bán sản vật địa phương, đồ lưu niệm, làm dịch vụ du lịch để có thêm thu nhập.
Mới qua hai mùa hoa, vùng đất Quan Hồ Thẩn xa xôi và gian khó trên núi cao mờ sương đã thu hút hàng nghìn du khách, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho đồng bào nơi đây làm du lịch nông nghiệp cây ăn quả ôn đới và từ bản sắc văn hóa bản địa của dân tộc mình. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quan Hồ Thẩn Lừu Quang Vinh phấn khởi cho biết: Dịp tháng 3, mùa hoa lê nở trắng núi đồi và tháng 8 quả lê chín ngọt đầu cành, du khách trong nước và nước ngoài tìm về Quan Hồ Thẩn ngắm cảnh và thưởng ngoạn hương vị lê núi đá đặc hữu, người dân có điều kiện làm dịch vụ du lịch, bán thổ cẩm thêu tay, biểu diễn văn nghệ truyền thống múa khèn, đàn môi, kèn lá, múa gậy sinh tiền vừa bảo tồn văn hóa truyền thống ông cha vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập.
Chúng tôi mừng cho người dân nơi đây đã có hướng đi và cách làm mới, hiệu quả và bền vững, bắt đầu từ thay đổi tư duy, nhận thức để bắt kịp với cuộc sống mới, xây dựng nông thôn mới ấm no, giàu mạnh. Nhớ lúc ở trụ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Si Ma Cai Hoàng Văn Dương nói về "biến di sản thành tài sản", với gần 1.000ha lê Tai Nung và mận Tả Van đặc hữu, đẹp và ngon nhất vùng Tây Bắc, thành đá cổ Lùng Thẩn, chợ phiên đặc sắc Cán Cấu, lễ hội Cúng rừng Say Sán độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số…, huyện đã và đang tập trung đầu tư làm đường giao thông, quy hoạch liên vùng, bảo tồn văn hóa và tạo tua, tuyến du lịch theo chuỗi để phát triển du lịch thành ngành "công nghiệp không khói", hiệu quả và bền vững ở vùng biên giới phía đông của tỉnh Lào Cai.
Đi trên miền đất cổ Si Ma Cai hôm nay, đất đai và con người, quá khứ và hiện tại, gian khó và tương lai phía trước hiện rờ rỡ, như tiếp sức và nâng bước chân du khách vượt đường xa, khám phá, trải nghiệm, hòa cùng xứ sở nguyên sơ, huyền ảo nơi thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ.
Quốc Hồng