Từ việc trả công cho ngư dân để họ vớt rác thải biển đến luật cấm những người bán rong dùng cốc và đĩa nhựa đựng thức ăn tại các công viên ven biển, chính phủ và chính quyền địa phương trên toàn thế giới đang sử dụng các công cụ thị trường nhằm cắt giảm lượng rác thải và chất thải đổ xuống biển.
Đây là một trong những hoạt động thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã được trình bày tại Hội nghị Đại dương Thế giới hồi tháng 05/2009 tại Indonesia, nơi 120 quốc gia tập trung họp bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường biển toàn cầu.
Một số giải pháp thị trường như vậy đã được áp dụng trên thế giới. Ở Mỹ, những người bán rong tại các công viên quốc gia phải sử dụng đĩa, cốc đựng thức ăn bằng chất liệu có thể phân hủy sinh học. Tính riêng ở Hawaii, sáng kiến thưởng tiền mặt cho ngư dân nhặt rác thải đã giúp thu gom được gần 75 tấn chất thải trong hơn 2 năm.
Ở Ireland, việc đánh thuế 0,02 USD cho mỗi túi nilon đã thu về gần 13 triệu USD và giảm tới 90% mức tiêu thụ túi nilon dùng một lần. Số tiền thu được này đóng góp vào những hoạt động môi trường của quốc gia.
Một hiệp hội tư nhân ở Honolulu, Mỹ đã thu gom được gần 26 tấn lưới và dây câu để sau đó xử lý thành nguồn điện năng sử dụng.
Ở Hàn Quốc ngư dân cũng được trả tiền để thu gom rác thải.
Những hình thức khuyến khích như vậy tạo cơ hội lập ra các quỹ hỗ trợ thực thi các kế hoạch môi trường khác.
Achim Steiner, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc và Giám đốc điều hành UNEP phát biểu: ”Cơ chế thị trường rất thông minh, từ hình thức thuế quan để khuyến khích những nguồn năng lượng tái tạo đến việc chi trả cho cộng đồng để đảm bảo các dịch vụ sinh thái, có thể giúp chúng ta chuyển sang một nền kinh tế bền vững.”
Rác thải biển không những gây thiệt hại cho ngành công nghiệp biển, mà còn là một sự trả giá về mặt kinh tế đối với môi trường và xã hội. Trên thế giới, khoảng 80% rác thải đổ xuống đại dương mỗi năm có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là từ quá trình vận chuyển trên biển và các nguồn khác từ biển.
Hội nghị đã đưa ra một số giải pháp cho môi trường biển như sau:
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng quản lý chất thải - từ những hạng mục nhỏ nhất như thùng rác ở vị trí thuận tiện trên các bãi biển và bến tàu, đến việc xây dựng các bãi chôn lấp hiện đại, kết hợp với sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Thúc đẩy các chiến dịch ngăn chặn hoặc làm giảm lượng rác thải từ đô thị, đường xá, các khu công cộng… vào đường thuỷ nội địa. Kế hoạch này có thể thực hiện đồng thời với việc tuyên truyền giáo dục, giúp mọi người hiểu được sự liên kết các lưu vực sông và ảnh hưởng của rác thải tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống của các sinh vật biển, giao thông hàng hải, sức khoẻ và sự an toàn của con người.
Tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan (cả khu vực công và tư) giao lưu, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật và các nghiên cứu về rác thải biển, các chính sách cũng như các thành công đạt được.
Xây dựng một khối quản lý môi trường vững mạnh hơn giữa những người khai thác đại dương cũng như những người sống trong đất liền bằng cách giáo dục và nâng cao ý thức cộng đồng.
Tăng cường và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ, các ngành công nghiệp, các chính phủ, người dân, giới khoa học và các tổ chức quản lý nghề cá, cộng đồng địa phương… Sự hợp tác đa dạng sẽ mạng lại nhiều kĩ năng và nguồn lực để xây dựng cơ sở vững vàng dẫn đến thành công.
Ủng hộ và đẩy mạnh những nỗ lực tình nguyện nhằm loại bỏ rác thải từ môi trường biển.
Hệ thống ký quỹ - hoàn trả, thu phí và xử phạt hành chính đối với người sử dụng và thải rác, thuế bán hàng và phân bổ chi phí xử lý rác là những công cụ thị trường phù hợp nhất để kiểm soát rác thải biển, mang lại một môi trường biển khỏe mạnh.