Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày nay cao hơn 1°C so với 150 năm trước. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, đại dương ấm hơn, mực nước biển dâng cao, các tảng băng, dòng sông băng đang tan chảy…, đây là những thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ 21.
Ảnh minh họa.
Vấn đề toàn cầu đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ứng phó tích cực, linh hoạt.
Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến môi trường sống cũng như sinh kế của con người, do đó trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhân loại. Theo báo cáo về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, với kịch bản nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo nghiên cứu này, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, như mực nước biển dâng là 60cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương, đe dọa an ninh lương thực của đất nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết: Những tiến bộ về khoa học và công nghệ đã cải thiện đáng kể độ chính xác của bản tin dự báo thời tiết và cảnh báo sớm để bảo vệ cuộc sống. Thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn nước trong tương lai sẽ khác so với trước đây. Các Trung tâm thời tiết, khí hậu và thủy văn sẽ giúp nắm bắt cơ hội và giải quyết các thách thức liên quan.
Hiện tại, trên thế giới có hơn 30 vệ tinh khí tượng, 200 vệ tinh nghiên cứu, 10.000 trạm thời tiết bề mặt thủ công và tự động, 10.000 trạm thám không, 7.000 tàu, hơn 1.100 phao, hàng trăm ra-đa thời tiết và 3.000 máy bay thương mại được trang bị thiết bị chuyên dùng để đo đạc các thông số của khí quyển, đất và bề mặt đại dương mỗi ngày. Những thông tin quan trắc này được cung cấp miễn phí cho mọi quốc gia trên thế giới, nhằm cảnh báo sớm những thông tin biến động về thời tiết, khí tượng thủy văn.
Thực tế trong mấy chục năm qua cho thấy, quá trình công nghiệp hóa đã làm gia tăng lượng khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Hệ quả là khí hậu bị biến đổi, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên, nước biển dâng, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan, như lũ lụt, hạn hán ngày càng gay gắt hơn. Chính vì vậy, các dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững cần chính xác, cụ thể hơn.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng được các bài học kinh nghiệm và thực tế tại các nước trong khu vực và trên thế giới về dự báo. Cụ thể, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã ban hành các quyết định về loại, thời hạn và nội dung bản tin cho các đơn vị thuộc Hệ thống dự báo quốc gia, trong đó nhấn mạnh tất cả các loại bản tin phải cung cấp các thông tin về khả năng tác động của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn và thiên tai đối với môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế-xã hội.
Qua đánh giá bước đầu, khi thêm các thông tin về khả năng tác động vào bản tin dự báo các hiện tượng thiên tai ở những thời hạn dự báo khác nhau, từ dự báo mùa tới dự báo tháng, dự báo 10 ngày và dự báo hạn ngắn 1-3 ngày đã giúp các cơ quan chỉ đạo phòng tránh thiên tai các cấp chủ động hơn trong công tác lập và xây dựng kế hoạch phòng, chống cũng như triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai; thông tin cảnh báo khả năng tác động cũng giúp các cấp chính quyền địa phương khoanh vùng (không gian, đối tượng) có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, rà soát các điểm xung yếu tập trung nguồn lực vào các khu vực, các đối tượng chịu rủi ro cao giúp công tác ứng phó hiệu quả hơn...
Tiến Đạt