Đến Phú Quốc (Kiên Giang), khu vực vòng xuyến rẽ ra các hướng tới các cụm công trình mà Sun Group xây dựng ở Nam Đảo, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy một tảng đá lớn được phủ đầy cây xanh.
Con đường La Hán ở khu du lịch Fansipan Legend.
Tảng đá nằm giữa những con phố, đáng nhẽ nó đã bị dọn đi khi làm đường, nhưng người ta đã không làm thế.
Những khu nghỉ dưỡng hòa mình vào thiên nhiên, lại hút khách nhờ những chi tiết đơn giản như thế. Đó dường như là một xu hướng ngày càng phổ biến trong du lịch hiện đại.
Khu nghỉ dưỡng ở bán đảo Sơn Trà đã mời riêng một nhà động vật học James Morrison về làm việc, với hy vọng “có thể xây dựng sự phát triển bền vững không chỉ cho khu nghỉ dưỡng mà còn cho toàn bộ vùng sinh thái”.
Ở một khu du lịch khác, Fansipan Legend, người ta đã xây dựng những con đường La Hán theo lối quanh co và vẫn giữ lại những cây đỗ quyên rừng. Dọc theo con đường ấy, những gốc đỗ quyên già sần lên rêu mốc, hoa nở rực rỡ khắp các triền núi mỗi mùa cuối xuân đầu hạ. Con đường có thể vòng vèo hơn với du khách, nhưng trải nghiệm trên đỉnh Hoàng Liên chắc chắn đắt giá hơn.
Khi bắt tay thiết kế khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninssula Resort, kiến trúc sư Bill Bensley - người vốn được tờ TIME mệnh danh là “ông hoàng resort” - yêu cầu để ông được toàn quyền với thiết kế của mình. Bill sử dụng quyền ấy, để bảo toàn mỗi cái cây mà ông nhìn thấy.
Bill tôn sùng thiên nhiên. Các thiết kế của ông đều mang bóng dáng của sự hòa quyện với thiên nhiên, cũng như luôn gìn giữ tối đa những vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Bởi vậy mà những cầu thang ở InterContinental được xây dựng uốn lượn gấp khúc liên tục, để tránh lối cho những cây mọc tự nhiên trên đường đi của thang. Hay Bill nhất quyết tạo ra khung cảnh như một rừng cây lâu năm ở JW Marriott Phu Quoc.
Thậm chí, Bill từng nổi giận khi việc thi công ở bán đảo Sơn Trà đã đánh bật một vài cây tự nhiên, phá dỡ một số bãi đất mà ông kỳ công thiết kế để bảo tồn nguyên vẹn nhất có thể. Việc hợp tác suýt bị hủy bỏ bởi cơn giận dữ của Bill. Ông chỉ quay lại vào sáu tháng sau, khi chủ đầu tư cam kết sẽ không phá bỏ thêm một cây tự nhiên nào trên con đường lên công trình.
Cuối năm 2017, Bill đã tức giận đến bỏ cả ăn sáng, khi thấy một cây xoài ở khuôn viên khu nghỉ JW Marriot bị chết. “Tôi là nhà thiết kế về cây xanh. Với một nhà thiết kế cây xanh, việc bảo vệ mẹ trái đất, bảo vệ thiên nhiên là quan trọng nhất và là việc đầu tiên phải làm” - Bill lý giải.
Nhờ quan điểm tưởng như cực đoan của Bill, những công trình có thể mọc lên mà bối cảnh thiên nhiên vẫn được giữ gìn trong một giới hạn có thể.
Việc xây dựng như một điều không thể tránh khỏi trong đà đô thị hóa, cũng như là việc cần làm để phát triển du lịch một địa phương. Điều quan trọng, là phải làm ra sao để thiên nhiên ít bị thay đổi nhất. Và thực tế, chính việc đặt mình vào giữa thiên nhiên mới là một “con bài” thu hút khách du lịch hơn là những khối bê-tông vô hồn.
Ngô Minh Ánh