Ngày 20/4, tỉnh Ninh Bình phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình - Truyền thống và hiện đại”, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.
Quang cảnh hội thảo.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Hội thảo là hoạt động mở ra hướng nghiên cứu về sự hình thành, phát triển của nghề gốm cổ Ninh Bình (bao gồm: đồ gốm, đồ sành, đồ sứ, vật liệu kiến trúc) và đưa ra luận cứ khoa học để xác định Ninh Bình là một trung tâm gốm cổ trong lịch sử, tiền đề để đề xuất các giải pháp, định hướng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát nói riêng, nghề gốm ở Ninh Bình nói chung”.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận vào 2 nội dung chính là Di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử và nghề gốm Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị.
Qua đó, cung cấp nhiều luận chứng khoa học về di tích, di vật liên quan đến di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử; khái quát quá trình thực tiễn nhiều cam go, những thành quả nhất định của việc khôi phục các làng gốm cổ trong và ngoài nước; đề xuất phương hướng bảo tồn, gợi ý về mô hình phù hợp, nhằm khôi phục và phát huy nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay.
Sản phẩm gốm Bồ Bát, Ninh Bình ngày càng phát triển.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Quân, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ninh Bình là một vùng đất cổ. Theo các nghiên cứu khảo cổ học, đồ gốm Ninh Bình được đánh giá là đồ gốm sớm nhất ở Việt Nam, có niên đại cách đây khoảng 8.000-9.000 năm.
Gốm Ninh Bình cũng là một trong những đồ gốm có niên đại thuộc loại sớm nhất trong khu vực và trên thế giới. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Ninh Bình luôn đóng vai trò như một trung tâm gốm Việt Nam.
Yến Trinh