Ngày 22/4 hằng năm được công nhận là Ngày Trái đất. Đây là dịp để nâng cao nhận thức và hành động của toàn nhân loại nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu.
Chủ đề của ngày Trái đất năm 2023 là “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”. Chủ đề này nhằm truyền tải thông điệp "Để có thể vực dậy xã hội năng động, phát triển thì việc cấp thiết nhất bây giờ chính là bảo vệ Trái đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp". Đây là ngày để mỗi người “thực hiện hành động”, không chỉ vì quan tâm đến thế giới tự nhiên, mà còn vì Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại.
Trong Ngày Trái đất, các hoạt động bảo vệ môi trường được tăng cường ở nhiều quốc gia như tuyên truyền kêu gọi người dân chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.
Chủ đề của ngày Trái đất năm 2023 là “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”.
Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP).
Rác thải là một trong năm nguồn phát thải khí nhà kính chính của Việt Nam với lượng phát thải khoảng 31.3 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020.
Đến năm 2030, dự kiến lượng khí thải từ lĩnh vực này sẽ tăng lên khoảng 40 triệu tấn CO2 nếu như không có hành động nào được thực hiện theo kịch bản phát triển thông thường.
Để giữ gìn môi trường sống chung, đặc biệt là giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống con người, sự ủng hộ của mỗi người dân trong thực hiện các chính sách về giảm chất thải nhựa là vô cùng quan trọng. Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm xả rác bừa bãi vào môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, cũng như đồ nhựa dùng một lần; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, …
Tố Cẩm