Ngắm đàn nai nhẩn nha kiếm ăn trên đồng cỏ, nhìn vượn mẹ khéo léo dạy con tập chuyền cành, hoặc ngồi thuyền dạo chơi trên đầm lầy đầy cá sấu… là những cảnh tượng tưởng như chỉ có thể thấy trong những thước phim. Nhưng có một nơi ở nước Việt Nam mà du khách được tự mình trải nghiệm tất cả những hoạt động tự nhiên ấy, để hiểu và trân quý thiên nhiên hơn - đó là Vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Du khách tham quan cây đa lộc giao trong Vườn quốc gia Cát Tiên.
Từ Hà Nội, chúng tôi cần nửa ngày và bốn lần chuyển phương tiện để đến được cổng Vườn quốc gia Cát Tiên ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Đối với những du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ khác thì đơn giản hơn. Nơi đây từ lâu đã là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần hấp dẫn và quen thuộc với những người yêu thích thiên nhiên.
Khám phá thiên nhiên diệu kỳ
Cái nắng đầu hè ở Thành phố Hồ Chí Minh oi ả là thế, mà tan biến ngay khi chúng tôi bước chân dưới những tán cây xanh mướt dẫn đến khu nghỉ dành cho du khách của Ban Quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên. Khoảng 50 phòng được thiết kế mộc mạc, xinh xắn, với những tên gọi rất đặc trưng Cát Tiên, như: Voi, Gấu, Bò Tót, Gõ Đỏ, Bằng Lăng, Hồng Hoàng, Giáng Hương…
Chưa cần vào rừng sâu, ngay tại khu vực này đã có thể chiêm ngưỡng một gia đình vượn hoang dã sống quây quần trên ngọn cây, thoăn thoắt chuyền cành, hái lá, âu yếm nhau. Tản bộ một chút, chúng tôi còn bắt gặp hàng chục chú chim với nhiều kích cỡ, mầu sắc, nhiều loài chưa từng thấy bao giờ. Người ta nói Vườn quốc gia Cát Tiên là một “vương quốc” chim quả không ngoa, bởi gần nửa số loài chim của Việt Nam có mặt tại đây.
Đêm xuống cũng là lúc dành cho một tour khám phá thú vị mà chỉ Vườn quốc gia Cát Tiên có - “Xem thú đêm”. Chiếc xe mui trần đưa đoàn chúng tôi từ từ tiến vào bìa rừng. 15 du khách, trong đó có bảy người nước ngoài, hồi hộp và háo hức dõi theo ánh đèn pha chuyên dụng trong tay Hoan-kiểm lâm viên kiêm hướng dẫn viên rất trẻ của Vườn quốc gia Cát Tiên. Du khách được khuyến cáo không sử dụng đèn pin cá nhân, đèn flash điện thoại… để tránh ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt bình thường của thú rừng.
Xe đi khoảng 5 phút, một chú cầy hương mập mạp đang sột soạt trong bụi cây ven đường đã lọt vào tầm nhìn. Đi thêm chút nữa, tất cả cùng ồ lên khi gặp cả một bầy nai thong dong trên trảng cỏ rộng, cách xe chưa đầy 50m. Suốt hành trình, ánh đèn quét qua những con chim hoạt động về đêm, những gia đình hươu, nai, lợn rừng… khiến du khách không ngừng trầm trồ. Mắt thú bắt đèn phát ánh sáng xanh, vàng lấp lánh, dường như chúng đã quen với việc này và biết rằng an toàn, nên con nào con nấy thản nhiên gặm cỏ, đi lại. Đến Trạm kiểm lâm Núi Tượng thì xe vòng về, tour “Xem thú đêm” kéo dài một giờ kết thúc trong sự thòm thèm của du khách.
Hôm sau, tôi và bạn đồng hành thuê xe đạp để tự len lỏi vào những tuyến tham quan cổ thụ rừng Cát Tiên. Đứng cạnh cây tùng hơn 400 tuổi, nơi check-in của hầu hết du khách đến với Vườn quốc gia Cát Tiên, chúng tôi choáng ngợp trước bộ rễ khổng lồ mọc nhấp nhô trên mặt đất. Cách đó không xa là cây thiên tuế có tuổi đời cũng bốn thế kỷ, rồi cây bằng lăng sáu ngọn sống tới hơn 300 năm, cây đa lộc giao có cành nhánh đan nhau tạo thành một mái vòm vĩ đại…
Từng là một phần của căn cứ địa chiến khu Đ, rừng Cát Tiên cũng hứng chịu bom đạn, chất độc hóa học nhưng may mắn là không bị tàn phá quá nhiều. Trong rừng vẫn còn nhiều đại thụ quý, có hình dáng ấn tượng, tạo thành những điểm tham quan có sự kết nối với nhau. Chúng tôi cũng tìm đến cây gõ Bác Đồng hơn 700 năm tuổi, một biểu tượng của thực vật rừng Cát Tiên. Không chỉ vì gõ đỏ là loài gỗ quý hiếm được xếp nhóm I mà còn bởi thông điệp sâu sắc về giá trị của rừng và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.
Năm 1988, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Vườn quốc gia Cát Tiên. Bên cây gõ đỏ “già” nhất của rừng, bác đã dặn dò cán bộ, nhân dân về trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho hôm nay và mai sau. Để ghi nhớ, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên đặt tên riêng thân thương cho cây là cây gõ Bác Đồng.
Và để trọn vẹn một chuyến phiêu lưu Cát Tiên, chúng tôi đương nhiên không bỏ qua Bàu Sấu - khu đất ngập nước nổi tiếng với quần thể cá sấu nước ngọt (cá sấu Xiêm) lớn nhất Việt Nam. Để vào Bàu Sấu không có phương tiện cơ giới mà chỉ có cách đi bộ hơn 5km đường mòn xuyên rừng. Ở trong Bàu Sấu cũng không có nhà nghỉ hay các dịch vụ du lịch riêng, mà chính các cán bộ Trạm kiểm lâm Bàu Sấu sẽ hỗ trợ du khách ăn, nghỉ tại trạm.
Cả Trạm có năm nhân viên thay nhau tuần tra bảo vệ rừng kết hợp đón khách, luôn chân luôn tay cả ngày. Dù không hỏi họ về cuộc sống cá nhân, tôi vẫn mường tượng được những khó khăn, thiệt thòi mà lực lượng kiểm lâm và gia đình họ phải chấp nhận và vượt qua trong điều kiện làm việc cách biệt, thiếu thốn. Tuy vậy, có thể cảm nhận rõ niềm vui và sự tự hào của họ khi chia sẻ với du khách về quá trình khôi phục thành công loài cá sấu suýt tuyệt chủng, về muông thú sống trong vùng.
Kiểm lâm viên hướng dẫn du khách khám phá khu Ramsar Bàu Sấu.
Đêm ở Bàu Sấu, Phó trưởng Trạm kiểm lâm Vũ Văn Khôi hướng dẫn tôi dùng đèn soi mắt cá sấu trong hồ. Anh kể, nếu thức khuya hơn và nếu gặp may, nhiều du khách còn xem được cả bò tót, hươu, nai tha thẩn đi kiếm ăn, uống nước. Tinh mơ hôm sau, anh Khôi chèo thuyền đưa chúng tôi đi một vòng đón bình minh trên Bàu Sấu, ngắm bức tranh ngày mới tuyệt đẹp của thiên nhiên vùng đầm lầy với vô số loài chim, cò, cá nước ngọt… tung cánh lao xao. Cảm xúc càng gia tăng khi đôi lúc chúng tôi thấy cá sấu bơi gần, hoặc làm sủi bọt nước. Đâu phải lúc nào bạn cũng có thể chọn một tour du lịch thong dong trên mặt nước mà bên dưới là hàng trăm “sát thủ đầm lầy” sinh sống?
Thương hiệu du lịch sinh thái
Một chuyến đi ngắn chưa đủ để trải nghiệm hết hơn 20 tour, tuyến du lịch đặc sắc của Vườn quốc gia Cát Tiên, song tôi cũng kịp thấy được giá trị to lớn của đa dạng sinh học nơi đây. Khu bảo tồn thiên nhiên này trải rộng trên địa bàn năm huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước).
Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, Phạm Xuân Thịnh cho biết, hiện đơn vị đang quản lý và bảo vệ hơn 72.000ha rừng, trong đó có 1.655 loài thực vật (chiếm hơn 60% tổng số bộ và hơn 50% tổng số họ thuộc giới thực vật ở Việt Nam); 1.730 loài động vật trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm như: bò tót (hơn 120 cá thể, là quần thể bò tót có số lượng lớn nhất ở Việt Nam), cá sấu nước ngọt (khoảng 500 cá thể), voi (hơn 20 cá thể gồm cả bố, mẹ, con), các loài linh trưởng quý hiếm (chà vá chân đen, voọc bạc, cu li nhỏ, vượn đen má vàng…), các loài chim (hạc cổ trắng, già đẫy Java, gà tiền mặt đỏ, công, gà lôi hông tía…).
Khách du lịch được tận mắt trải nghiệm bò tót, cá sấu, khỉ, nai… sống trong môi trường tự nhiên của chúng là minh chứng rõ nét cho thành công của nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng, đa sắc màu của rừng Cát Tiên. Năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Năm 2005, Bàu Sấu được đưa vào danh sách các khu Ramsar (vùng đất ngập nước) có tầm quan trọng quốc tế.
Không nhiều vườn quốc gia khai thác du lịch tốt và tăng trưởng ấn tượng như Vườn quốc gia Cát Tiên. Năm 2022, ngay sau khi cơ bản khống chế đại dịch Covid-19, đã có 54.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến với Cát Tiên, doanh thu từ du lịch đạt 13,5 tỷ đồng. Những tour đặc trưng duy nhất chỉ có ở đây đã thu hút không chỉ các nhà khoa học, nhiếp ảnh gia, mà còn cả du khách đa dạng độ tuổi, quốc tịch.
Chẳng hạn như tour "Xem thú đêm" (giá 150 nghìn đồng/người), hoặc cao cấp hơn có tour ngắm vượn hoang dã trong rừng sâu (gần 1 triệu đồng/người), tour khám phá Bàu Sấu (phí tham quan 250 nghìn đồng/người). Các tour khác như mùa bướm và muồng hoa đào Cát Tiên, tour ngắm chim, học kỳ lâm nghiệp dành cho thanh thiếu niên… cũng tất bật trong mỗi cuối tuần, nhất là vào mùa hè. Ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ - Vườn quốc gia Cát Tiên, chia sẻ: “Vườn có một đơn vị chuyên quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gien động vật, thực vật rừng; nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, môi trường; tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái.
Hiện nay, cùng các chương trình, hoạt động trong nước thì còn có các dự án quy mô quốc tế được triển khai tại Vườn quốc gia Cát Tiên, như: Dự án cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm, nguy cấp (Anh), Trung tâm bảo tồn gấu Free the Bears (Australia), dự án bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Tổ chức Hợp tác rừng châu Á-AfoCO), dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID)…”.
Ông Việt cũng cho biết thêm, với thế mạnh là tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang ghi dấu ấn với các loại hình du lịch sinh thái như: Khám phá thực vật/động vật, nghỉ dưỡng, nghiên cứu học tập, hội nghị, hội thảo, các sự kiện thể thao quần chúng (chạy, đi bộ)... Bên cạnh đó, tuyến tham quan xã Tà Lài - nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc thiểu số Mạ và X’tiêng, khám phá văn hóa và đời sống thường ngày người dân bản địa cũng được du khách trong nước và nước ngoài đánh giá cao.
Phát triển các mô hình du lịch sinh thái không chỉ là cách tạo nguồn thu cho chính công tác bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa ý thức tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên. Mặc dù vậy, Vườn quốc gia Cát Tiên vẫn còn rất nhiều việc cần làm để khai thác tiềm năng, xây dựng một thương hiệu du lịch sinh thái xứng tầm ở trong khu vực và trên thế giới...
Rời rừng Cát Tiên với một “kho” kiến thức và trải nghiệm mới mẻ về thế giới muôn loài, tôi hiểu cảm giác của những vị khách du lịch chia sẻ rằng họ đã ở đây trong nhiều tuần, hoặc quay trở lại nhiều lần. Sự hòa hợp của con người và thiên nhiên, nỗ lực phát triển du lịch trong sự cân bằng với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Cát Tiên có thể trở thành mô hình tốt cho nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác tham khảo.
Bài và ảnh: Hải Lâm