Khí nén thiên nhiên - nguồn năng lượng sạch cho ngành giao thông vận tải

Cập nhật: 17/08/2009
Sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) làm nhiên liệu phục vụ giao thông vận tải là một hướng đi có nhiều lợi thế trong tương lai gần. Qua một số thí điểm sử dụng nguồn nhiên liệu này thay thế xăng, dầu đối với một số phương tiện giao thông, hiệu quả của việc sử dụng CNG đã được kiểm chứng.

Tại TP Hồ Chí Minh, kế hoạch sử dụng CNG đang được triển khai đối với một số hãng xe taxi. Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) là đơn vị chính cung cấp nguồn nhiên liệu sạch này đã cam kết bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu cho ngành giao thông vận tải.

CNG (Khí thiên nhiên nén - Compressed Natural Gas) được sử dụng thay thế xăng do những lợi thế hơn hẳn. CNG dễ phát tán, không tích tụ như hơi xăng. Khi CNG bị rò rỉ ra môi trường không khí, nguy cơ hỏa hoạn chưa bằng một  nửa xăng, dầu. Giá CNG hiện nay thấp hơn giá LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng). Ðây chắc chắn là nhiên liệu rẻ, sạch, phù hợp dịch vụ tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá xăng, dầu tăng cao. Hiện nay, PV GAS là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm CNG cho thị trường trong nước. Ngoài phương thức cung cấp bằng LPG, PV GAS đang thực hiện hai phương thức cung cấp khí khác: Cung cấp cho các hộ công nghiệp bằng tuyến đường ống dẫn khí cố định và cung cấp CNG bằng xe bồn dài 40 feet và bồn CNG có sức chứa khoảng ba tấn, với áp suất của bồn khoảng 200 bar.

PVGAS hiện có hai đơn vị thành viên đang đầu tư, sản xuất và kinh doanh CNG phục vụ cho các hộ công nghiệp và vận tải. Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG VN) đã đi vào hoạt động từ năm 2008 có công suất giai đoạn một là 30 triệu m3 khí/năm, chủ yếu phục vụ các hộ công nghiệp nằm xa tuyến ống. Trong giai đoạn hai, CNG VN sẽ tăng công suất lên 250 triệu m3 khí/năm. CNG VN đã làm việc với PVTrans - CGT trong việc cung cấp sản phẩm CNG để CGT tiêu thụ trong ngành vận tải. Ngoài ra, Công ty CP Khí hóa lỏng miền nam (PV GAS South) đang đầu tư nhà máy nén CNG tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với công suất ban đầu là 10 triệu m3 khí/năm.

Ngày 24/12/2006, UBND TP Hồ Chí Minh và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường. Trên tinh thần đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam đã triển khai kế hoạch nghiên cứu ứng dụng CNG cho xe buýt trên địa bàn thành phố. Chương trình còn có sự phối hợp của Tập đoàn Sunjin (Hàn Quốc), một trong những doanh nghiệp lớn về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với hơn 90% số lượng xe buýt sử dụng CNG.

Hiện tại, đã có hai chiếc xe buýt sử dụng CNG được nhập về từ Hàn Quốc và giao Công ty Xe khách Sài Gòn và Liên hiệp HTX Vận tải TP Hồ Chí Minh quản lý. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Dương Hồng Thanh cho biết: Qua tính toán các thông số kỹ thuật, kinh tế cho thấy xe buýt sử dụng khí CNG tiết kiệm được từ 50% đến 60% giá thành vận chuyển, chi phí nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ kết quả này, UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận cho thử nghiệm xe buýt chạy bằng CNG thay cho dầu đi-ê-den.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2009-2010, Sở Giao thông vận tải sẽ tiến hành chuyển đổi và đưa vào hoạt động 38 chuyến xe buýt trên hai tuyến số 30 (Chợ Tân Hương - Suối Tiên) và số 91 (Bến xe miền Tây  chợ nông sản Thủ Ðức). Cuối năm 2010, 800 xe khác cũng sẽ bắt đầu dùng nhiên liệu này.

Cũng trong năm 2009, Tập đoàn ô tô Thành Công đã tổ chức lễ ký kết và giao lô hàng 50 xe đầu tiên trong hợp đồng cung cấp 500 chiếc xe buýt hiệu Daewoo chạy bằng khí thiên nhiên cho Công ty Sonadezi ở Ðồng Nai. Số xe buýt này sẽ được sử dụng trong việc đưa đón công nhân ở các khu công nghiệp cũng như vận chuyển hành khách công cộng tại tỉnh Ðồng Nai.

Như vậy, có thể thấy tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn. Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. PV GAS đang chuẩn bị các kế hoạch bảo đảm nguồn cung CNG cũng như nhiên liệu từ khí thiên nhiên để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường và xu hướng chung của thế giới.

 

Nguồn: ND