Những năm gần đây, nhiều bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai đã biết khai thác thế mạnh văn hóa bản địa để phát triển kinh tế bằng dịch vụ, du lịch.
Homestay Bản Liền Pine của gia đình chị Vàng A Thông ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường
Dùng công nghệ để giao tiếp với du khách nước ngoài
Một ngày giữa tháng 4, men theo những con đường hoa trẩu nở trắng muốt uốn lượn bao quanh sườn núi, chúng tôi đến bản làng yên bình của người Tày ở vùng cao Bắc Hà. Đó là xã Bản Liền, nơi nức tiếng trà cổ thụ lam gác bếp, cũng là địa danh đầu tiên của tỉnh Lào Cai có sản phẩm trà hữu cơ xuất ngoại sang trời Âu.
Đang ở vùng thấp bắt đầu có không khí nóng của đầu mùa hạ, chạm chân đến ngõ Bản Liền, chúng tôi như bước vào chiếc điều hòa khổng lồ, tiết trời dịu mát và trong lành.
Bên sườn núi, có mấy chị người Tày đang nhanh tay hái những búp trà Xuân. Thoạt nhìn, cây chè ở đây không mơn mởn như nhiều vùng chè tôi đã từng đến… nhưng hỏi chuyện các chị thì mới biết, đây là vùng chè canh tác hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, nên nhìn không tươi tốt như những vùng chè sản xuất khác. Vụ Xuân trà ngon, các chị tranh thủ lúc chưa vào vụ cấy, lên nương hái chè về bán cho hợp tác xã, còn một phần để sao làm đồ uống cho gia đình.
Dẫn chúng tôi vào một homestay của bà con người Tày là con đường bê tông nhỏ sạch sẽ, uốn lượn lưng chừng dốc. Chúng tôi đi giữa tiếng gió vi vút thổi, tiếng chim hót và tiếng róc rách của dòng suối dưới chân…
Hiền hậu đón chúng tôi vào nhà, chị Vàng Thị Thông (chủ Bản Liền Pine homestay) mời chúng tôi cùng trải nghiệm làm bánh sắn. Vừa đi lấy sắn và các dụng cụ cho khách trải nghiệm, chị Thông vừa giới thiệu bằng tiếng Anh với một du khách nước ngoài đến trước chúng tôi không lâu, rồi chị dùng smartphone viết bằng tiếng Việt, sau đó dùng phần mềm dịch sang tiếng Nhật và đưa cho du khách của đất nước Mặt trời mọc.
Chị Vàng Thị Thông hướng dẫn du khách Nhật Bản làm bánh sắn truyền thống của người Tày, và bữa cơm người Tày đãi du khách bằng những đặc sản của địa phương (rau cải nương, thịt lợn đen bản địa, thịt ngựa, chả sắn) - Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường
Thấy tôi ngạc nhiên, vì rất ít bà con vùng cao thành thạo công nghệ để có thể sử dụng làm công cụ giao tiếp với khách nước ngoài, chị Vàng Thị Thông chia sẻ: "Tôi đang học tiếng Anh để giao tiếp với khách, nhưng chưa nói được nhiều, vì thế nên tôi dùng phần mềm để hỗ trợ. Hồi trước, điện thoại tôi chỉ biết nghe và gọi thôi, nhưng giờ tôi đã biết vào Facebook để chia sẻ hình ảnh nơi mình đang sống, chia sẻ những thông tin cần thiết cho khách du lịch khi muốn đến Bản Liền quê mình".
Trong câu chuyện bên bếp lửa chuẩn bị cho mẻ bánh sắn, chị Vàng Thị Thông tâm sự: "Ngày trước, tôi rất ngại giao tiếp. Tôi và nhiều chị em trong bản còn không dám nói chuyện với cán bộ, với người Nhà nước ấy. Nhưng giờ đây tôi đã tự tin hơn. Qua những đoàn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại gia đình, chúng tôi học hỏi thêm được nhiều điều".
Lấy văn hóa bản địa đặc sắc làm du lịch cộng đồng
Chúng tôi cùng chị Rio Tsukuda, du khách đến từ Nhật Bản, đã được vào bếp, tự tay nạo sắn, làm bánh và thưởng thức bữa cơm trưa thân tình với gia đình chị Vàng Thị Thông. Sau bữa cơm, chị Thông đưa các loại trà Bản Liền, giới thiệu về cách chế biến từng loại trà theo truyền thống của người Tày ở đây.
Sau đó, chị Thông hướng dẫn chị Rio Tsukuda cách đội khăn và mặc trang phục truyền thống của người Tày, đi hái măng, ra suối bắt cá, lên thác nước và tham gia lễ mừng mùa màng của người Tày ở Bản Liền.
Chị Rio Tsukuda cho biết, kỳ nghỉ ở Bản Liền là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Việt Nam lần này: "Người dân thân thiện, mến khách và bản sắc văn hóa, phong cảnh núi rừng, thiên nhiên tươi đẹp nơi đây đã để lại ấn tượng thật khó phai".
Người Tày ở Bản Liền biểu diễn dân ca dân tộc Tày phục vụ khách du lịch. Chị Rio Tsukuda, du khách đến từ Nhật Bản (bên phải ảnh) thích thú mặc trang phục Tày và trải nghiệm văn hóa bản địa - Ảnh: VGP/Lê Thanh Cường
Hiện tại, ở Bản Liền mới có một số hộ tham gia làm homestay và đón khách nghỉ dưỡng thường xuyên. Ngoài hộ gia đình chị Vàng Thị Thông, còn có hộ gia đình anh chị Lâm A Nâng - Vàng Thị Cân, hộ gia đình anh Vàng A Bình… cũng đã làm du lịch cộng đồng.
Có thể, điều kiện cơ sở vật chất ở Bản Liền chưa đạt tiêu chuẩn cao cấp như ở nhiều nơi khác, nhưng bản Tày nơi đây đã níu chân khách du lịch bằng chính sự giản dị, thân thiện, mến khách, bằng không gian văn hóa đặc sắc bản địa đang được bảo tồn, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch.
Tại homestay của anh Vàng A Bình, cứ dịp cuối tuần lại có khách đến trải nghiệm khâu nón lá cọ, làm trà trong ống nứa để treo gác bếp và thưởng thức các món ẩm thực của người Tày, trải nghiệm bắt cá, đi rừng lấy lá thuốc, trèo lên cây trà shan tuyết cổ thụ hái búp về sao tay, gói bánh chưng đen…
Anh Vàng A Bình tâm sự: "Từ làm du lịch, người Tày ở Bản Liền còn mở mang được rất nhiều mối quan hệ giao thương với mọi người ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giữ liên lạc với khách, mùa nào thức nấy, bà con người Tày ở Bản Liền lại gói những mặt hàng nông sản sạch do chính gia đình làm ra, vận chuyển về xuôi, cũng có thêm một khoản thu nho nhỏ. Vui hơn là, được khách hàng tin yêu".
Người Tày ở Bản Liền sơ chế trà hữu cơ và trà shan tuyết xuất khẩu - Ảnh: VGP/Huy Trung
Về nông sản hữu cơ Bản Liền, không chỉ có sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ đã xuất ngoại sang các thị trường khó tính, mà ở nơi này còn có một sản phẩm từ nông nghiệp cũng đã có mặt tại châu Âu, đó là sản phẩm xơ mướp dùng làm bông tắm rất thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm nông sản của bà con dân tộc Tày ở Bản Liền đã vươn xa hơn khi tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại du lịch trong nước. Du lịch và dịch vụ của người Tày Bản Liền cũng đã tan tỏa tới nhiều người, nhiều nơi qua những câu chuyện, những trải nghiệm thú vị của du khách. Nhưng, điều lớn hơn cả là khát vọng vươn lên của chính đồng bào Tày nơi đây, khi có những điển hình như chị Thông, anh Bình, anh chị Nâng-Cân - những người đã mạnh dạn vượt qua rào cản của một vùng đất gian khó để vươn lên.
Chị Thái Huyền Nga, một trong những người đã từng gắn bó với bà con ở Bản Liền trong một dự án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện vùng cao Bắc Hà, do Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn - CRED triển khai thực hiện từ năm 2019-2022 cho biết: "Lần này tôi có dịp quay trở lại Bản Liền trong khuôn khổ hội thảo bàn về phát triển du lịch ở Bắc Hà, thực sự trong lòng rất mừng vui khi thấy được sự đổi thay rõ nét của đồng bào Tày ở Bản Liền. Mọi người đón tôi như người thân đi xa trở về nhà vậy, rất ấm áp, không phải dễ kiếm tìm".
Cách mà người Tày ở Bản Liền tự thay đổi mình bằng chính ý chí, khát vọng vươn lên ấy, đã khiến cho một nơi cách trung tâm thị trấn Bắc Hà 25 cây số bắt đầu được định danh trên bản đồ du lịch Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ để hiểu về những cuộc chinh phục thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của những con người ở một miền quê yên bình trên "cao nguyên trắng" - Bắc Hà yêu thương.
Lê Thanh Cường