Phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)

Cập nhật: 04/05/2023
Không chỉ là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt", làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) còn là một địa chỉ độc đáo, nơi hội tụ đậm đặc tinh hoa văn hóa xứ Đoài. Thời gian qua, nơi đây đã và đang triển khai nhiều chương trình, hành động nhằm khơi dậy những giá trị tiêu biểu. Từ đó, đưa Đường Lâm thực sự trở thành một “bảo tàng sống” hấp dẫn, điểm đến văn hóa lịch sử nổi bật trên bản đồ du lịch di sản Thủ đô.

Các em nhỏ tham gia làm bánh trôi, bánh chay tại lễ hội chùa Ón (làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây). Ảnh: Phạm Hảo

Lễ hội chùa Ón - một trong nhiều di sản văn hóa tiêu biểu ở làng cổ Đường Lâm vừa được mở ra (22-4, tức mùng 3 tháng Ba âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút trên hai nghìn lượt khách về tham quan, trẩy hội. Đáng nói, bên cạnh lớp người trưởng thành, lễ hội còn có nhiều em nhỏ, trẻ vị thành niên tham gia các hoạt động bên lề đầy hào hứng. Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, lễ hội chùa Ón hội tụ nhiều nghi thức tâm linh độc đáo, như: Thỉnh chuông, vật thờ… mà mỗi nghi thức lại hàm chứa một câu chuyện ý nghĩa.

“Với mục tiêu phát triển du lịch di sản gắn với lễ hội truyền thống, hai năm trở lại đây, bên cạnh những nghi thức cổ truyền, địa phương đã chú trọng “cấy” thêm nhiều hoạt động văn hóa nhằm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, như: Không gian chợ quê, không gian ẩm thực làng cổ, không gian hướng dẫn làm diều sáo, làm bánh trôi bánh chay; không gian đấu vật, không gian trải nghiệm trò chơi dân gian đánh chắt, đánh chuyền, ô ăn quan… Các hoạt động này trải khắp từ chùa Ón, sân đình Mông Phụ đến các điếm xóm, với sự hướng dẫn của các bạn đoàn viên hay thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ bảo tồn di sản, tạo không khí sôi nổi trong suốt thời gian diễn ra lễ hội”, ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết.  

Trước đó, nhằm tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho hành trình du lịch di sản, một không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo mang tên “Đoài creative” cũng đã ra mắt tại đây, mở ra cơ hội trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống hấp dẫn của Đường Lâm nói riêng, làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn nói chung. Tại đây, công chúng và du khách được tìm hiểu về lịch sử văn hóa làng cổ xứ Đoài, tham gia các workshop với những chuyên đề luôn được đổi mới để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, như: Sáng tạo trên nền ngói cổ, làm đèn nghệ thuật trên ngói âm dương, vẽ tranh mộc bản trên giấy dó, giấy điệp, sáng tạo truyện cổ tích trên quạt mo cau…

Đáng nói, dù chỉ mới đi vào hoạt động (ngày 8-4), “Đoài creative” đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng khi tới thăm làng cổ Đường Lâm, đặc biệt vào các dịp cuối tuần, nơi đây luôn tấp nập khách tham quan, trải nghiệm.

Ông Khuất Văn Thắng (người sáng lập không gian “Đoài creative”) cho biết, “Đoài creative” phát triển trên một công trình cũ; trong đó tập trung khai thác những tính năng ưu việt của ngôi nhà cổ và đưa thêm vào những yếu tố mới, để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng hiện tại. “Đoài creative” ra đời với mong mỏi tạo thêm điểm dừng chân ý nghĩa cho du khách tìm hiểu về văn hóa xứ Đoài như một cách lưu giữ truyền thống của những người yêu và trân trọng di sản.

Còn bà Lê Thùy Hương (Kim Mã, Ba Đình) chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với không gian này khi dành nhiều giờ trải nghiệm văn hóa cùng người thân. Tôi mong rằng những hoạt động tương tác như thế sẽ tiếp tục được nhân rộng tạo thêm không gian trải nghiệm đa dạng và mới lạ cho du khách, đồng thời mang đến cho người dân địa phương những gợi ý mới về làm du lịch di sản".

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng khẳng định, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm luôn được chú trọng với sự hỗ trợ, tư vấn của các cấp quản lý và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế, đúng với tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội đã đề ra. Đặc biệt, công tác phát triển du lịch di sản, phát huy giá trị di tích được triển khai hiệu quả, từng bước cải thiện đời sống người dân và cũng là động lực để khơi dậy sức sáng tạo của người dân, tìm tòi, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch đáp ứng thị hiếu của du khách.

“Thời gian tới, các hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, như: Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch làng cổ kết nối với điểm du lịch địa phương; tăng cường thông tin, quảng bá qua các kênh truyền thống, hệ thống mạng xã hội…, từ đó tạo nên một cộng đồng du lịch phát triển mạnh mẽ”, ông Lê Đại Thăng thông tin.

Nguyễn Thanh

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 04/05/2023