Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh Bến Tre luôn quan tâm, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện, nhằm hỗ trợ phát triển du lịch (DL) huyện Thạnh Phú, là khu DL cấp tỉnh đầu tiên và duy nhất của tỉnh đến thời điểm này. So với các địa phương khác và đặc biệt là trong 3 huyện biển, Thạnh Phú khởi phát làm DL chỉ khoảng 10 năm gần đây nhưng khá hiệu quả. Các chuyên gia, đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khẳng định: Huyện biển Thạnh Phú có rất nhiều tiềm năng phát triển DL, nhất là loại hình DL nông thôn, trải nghiệm, khám phá.
Du khách trải nghiệm cào nghêu tại bờ biển xã Thạnh Hải, khu vực Hợp tác xã Thủy sản Bình Minh.
Phát huy giá trị tài nguyên bản địa
PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, sở luôn quan tâm và đồng hành cùng với huyện trong việc mời gọi các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu thực hiện các đề tài, các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ để ngành DL huyện Thạnh Phú tạo ra các mô hình điểm DL đặc trưng, chuyên biệt, mang đậm bản sắc văn hóa, phát huy tối đa giá trị tài nguyên DL vốn có của địa phương. Kết nối các mô hình này tương thích với các điểm DL hiện có, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách, hướng tới phát triển bền vững ngành DL và phát triển cân bằng nền kinh tế của huyện Thạnh Phú trong tương lai.
Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình nông dân làm DL đã hướng dẫn cho người dân phát triển DL theo hướng chuyên nghiệp và thay đổi tư duy chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”… và giúp cho các điểm đến DL của huyện xây dựng các tour, tuyến DL liên kết với các công ty, doanh nghiệp DL ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sở cũng đã từng bước hỗ trợ ngành DL huyện Thạnh Phú ứng dụng các công nghệ thông tin vào việc mã hóa thông tin, thực tế ảo VRG 360 các di tích văn hóa, lịch sử, điểm đến vui chơi, giải trí… để giới thiệu, quảng bá hình ảnh DL của huyện. Việc ứng dụng DL thông minh nhằm đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào các sản phẩm DL của huyện, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền và doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung cho hay, tỉnh có khoảng 90% đơn vị kinh doanh DL ứng dụng công nghệ 4.0 vào chiến lược quảng bá, truyền thông hình ảnh dịch vụ, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và của địa phương; tích cực đầu tư xây dựng, thiết kế và chỉn chu các trang Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok... để giới thiệu, quảng bá. Điều này đã dần dần thu hút mọi đố́i tượng người xem, chuyển từ ý thích đi DL thành hành động quyết định đi DL để khám phá, trải nghiệm và được “chạm” vào thực tế các sản phẩm DL.
Đồng thời, dịch vụ ứng dụng DL thông minh cũng được đặc biệt quan tâm, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của khách DL trong giai đoạn mới. Hầu hết các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí đều có wifi miễn phí. Các di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã và đang thực hiện việc mã hóa thông tin, thực tế ảo VRG 360 để truyền tải thông tin đến du khách những nội dung, thông tin một cách cơ bản, tiện lợi và nhanh nhất có thể.
Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm
Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Võ Thanh Sơn cho biết, mô hình nông nghiệp kết hợp DL là xu thế chung giúp phát triển bền vững, tăng chuỗi giá trị chuỗi DL biển và chuỗi nông sản của biển. Vì thế, Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch biển Thạnh Phú năm 2023, Trung tâm đã giới thiệu cho nhiều đơn vị DL lữ hành đến đây để kết nối. Qua đó, thu hút hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ DL biển. Đặc biệt, có sự nghiên cứu, đóng góp đề xuất giải pháp phát triển DL từ các chuyên gia đến từ nhiều viện, trường trong nước.
PGS.TS. Phạm Viết Hồng - Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ: Xu hướng phát triển DL ngày càng tăng lên và phổ biến. Do đó, DL nông thôn không bị cạn kiệt, vì nó rất đa dạng và vĩnh cữu. Đối với khách DL, nhu cầu đi DL bây giờ không chỉ dừng lại ở nghe nhìn mà cần được tham gia, được làm, trải nghiệm. Xét ở các khía cạnh này, quan sát trên địa bàn Bến Tre có thế mạnh là gần biển và có tiềm năng rất lớn để phát triển DL nông thôn. Bến Tre có đường bờ biển dài, có nhiều cảnh quan đẹp, hệ sinh thái rừng ngập mặn, có các bãi nghêu rất rộng. Gần đây, có các công trình điện gió, nuôi tôm công nghệ cao, một số công trình dân sinh… rất thuận lợi cho du khách có thể tham quan, trải nghiệm.
“Bến Tre không có nhiều phong cảnh đẹp nổi tiếng như nhiều nơi nhưng bù lại có nhiều sản phẩm khác phục vụ DL. Quan trọng nhất, ở Bến Tre có nhiều giá trị di sản lịch sử, di sản văn hóa bản địa. Riêng về sản vật, Bến Tre có nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, tôm càng xanh, sầu riêng, cua, xoài tứ quý…, có tiềm năng rất lớn để phục vụ khách DL trong và ngoài nước. Đồng thời, có thể tạo không gian phục vụ cho du khách tham gia trải nghiệm, khám phá”, PGS.TS. Phạm Viết Hồng nhấn mạnh.
Mặt khác, địa phương cần xây dựng, hình thành “mạng lưới điểm” - không gian phục vụ DL với nhiều điểm, nhiều sản phẩm ở lân cận nhau trong một chương trình DL, có thể bằng nhiều phương tiện khác nhau như: xe máy, thuyền, đi bộ… nhưng làm sao thuận lợi cho khách di chuyển tham quan và tham gia vào các hoạt động đó một cách đa dạng, phong phú.
Thực tế, tham gia chuyến trải nghiệm cào nghêu tại bờ biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, khu vực Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Bình Minh, du khách rất phấn khởi. Do đó, trước mắt cũng cần quy hoạch các bãi nghêu cho DL và có hoạt động ươm, trồng, bảo vệ phục vụ cho DL. Xã Thạnh Hải có 2 HTX nghêu: HTX Thủy sản Thạnh Lợi và HTX Thủy sản Bình Minh. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Thủy sản Bình Minh Nguyễn Văn Chinh, HTX có diện tích khoảng 100ha, hoạt động từ năm 2005 đến nay, tạo việc làm cho nhiều người dân, một ngày công (3 - 4 giờ) có thể được trả 200 - 300 ngàn đồng, thậm chí từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Với thuận lợi là có vị trí đường bờ biển dài, có bãi nghêu, không gian điện gió… để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX có định hướng sẽ gắn với phục vụ du khách đến tham quan và trải nghiệm.
“Tại trại nuôi hàu, cảnh quan hoang sơ, đẹp mắt nhưng cũng cần tạo điều kiện cho du khách được tự tay bắt hàu để chế biến, thưởng thức tại chỗ và còn được tự tay bắt đem về làm quà biếu cho gia đình, người thân thì còn gì tuyệt vời bằng. Việc này vừa giúp hộ nuôi tăng doanh thu, vừa giúp tăng thời gian lưu trú sử dụng nhiều sản phẩm hơn. Hoặc đến các vườn xoài, vườn dừa, du khách được tham gia thu hoạch xoài, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương được chế biến từ xoài”, PGS.TS Phạm Viết Hồng cho biết thêm.
Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà được vinh dự trở thành Đại sứ Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - DL biển Thạnh Phú năm 2023. Đến tham dự tuần lễ, Thanh Hà cho biết: “Khi nhắc đến Bến Tre, hầu hết du khách trong và ngoài tỉnh đều biết đến vẻ đẹp thiên nhiên xanh biếc, những vườn cây rất trù phú, con người ở đây rất thân thiện và hiếu khách. Đó là những điều khiến Thanh Hà yêu thương quê hương của mình hơn. Bến Tre cũng là vùng đất giàu giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử rất đáng tự hào”. Thanh Hà gửi thông điệp môi trường: Rất mong rằng, chúng ta hãy chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế vấn đề rác thải để biển xanh, sạch, trong lành, nhằm tạo ấn tượng đẹp mãi với du khách trong và ngoài nước với biển Thạnh Phú. Thanh Hà cũng hy vọng sẽ góp phần mang hình ảnh biển Thạnh Phú đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới”.
Là một trong 3 huyện biển và nằm ở cuối cù lao Minh, Thạnh Phú có 26 km bờ biển tiếp giáp Biển Đông, có rất nhiều những công trình mang dấu tích lịch sử và văn hóa và nhiều tiềm năng để phát triển DL sinh thái, DL cộng đồng gắn với DL nông nghiệp, nông thôn; DL văn hóa - lịch sử - tâm linh; tín ngưỡng dân gian vùng biển. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2030, DL trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện và tạo việc làm cho 2.500 lao động.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc