Từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5 là khoảng thời gian các loài bướm ở Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) sinh sản và xuất hiện nhiều, thu hút du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
Cứ mỗi độ hè về, từng đàn bướm tại Vườn quốc gia Cúc Phương như bừng tỉnh giấc, bay ra khỏi tán cây rừng, dập dìu dưới nắng, tụ thành từng đàn tạo nên một không gian vừa thơ mộng vừa huyền bí.
Tại Vườn quốc gia Cúc Phương từng đàn bươm bướm, đủ loại sắc màu bay thành từng đàn trên khắp các con đường dẫn vào Vườn quốc gia thu hút rất nhiều khách du lịch đến với nơi này. Ảnh: B. Trung.
Theo các nhà nghiên cứu sinh vật học của Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương, mùa bướm sinh sôi nảy nở vào cuối tháng 4, tháng 5 dương lịch, khi những cơn mưa phùn, se sắt của mùa xuân đã hết, nhường chỗ cho những ngày khô ráo, nắng đẹp. Lúc này, trong những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, trên những con đường mòn dành cho người đi bộ, từng đàn bướm lại rủ nhau tách kén bay ra khỏi những tán cây rừng rậm rạp để sưởi nắng, với hàng nghìn, hàng vạn con chen chúc nhau, rập rờn.
VQG Cúc Phương với hơn 400 loài bướm với khoảng hàng triệu con đua nhau khoe sắc khi vào mùa. Ảnh: BT.
Đặc biệt, bướm rừng Cúc Phương đông đảo và có độ đa dạng cao vào bậc nhất trong số những cánh rừng nguyên sinh trên đất nước Việt Nam. Những con bướm ở đây có đủ mọi sắc màu, từ trắng cơ bản cho đến những chú bướm xanh lam, nâu đất, hồng phấn… Nhưng đa số là những cánh bướm trắng, cùng với bướm khế, bướm phượng và một thế giới đầy màu sắc của các loài bướm khác.
Vườn quốc gia Cúc Phương có tổng diện tích hơn 22.000 ha, nằm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phần còn lại trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình. Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo số liệu điều tra gần đây, Cúc Phương có 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Mỹ Hạnh