Thừa Thiên Huế: Hồi sinh nón lá từ du lịch cộng đồng

Cập nhật: 08/05/2023
Trong các sản phẩm nghề truyền thống, nón lá trở thành đặc sản văn hóa của du khách khi đến Huế. Cần một hướng đi phù hợp trong việc khôi phục và phát huy hơn nữa nghề chằm nón thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng.

 

Nghề nón ở Vân Thê đang là một trong những sản phẩm du lịch cộng đồng của Thủy Thanh (Hương Thủy)

Nguy cơ mai một

Một trong những thách thức của nghề làm nón lá Huế là nguy cơ bị mai một do thu nhập thấp, không ổn định nên nhiều người không muốn giữ nghề. Giá trị ngày công lao động thấp, trung bình từ 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Khảo sát ở làng Mỹ Lam (Phú Vang), trước đây ở địa phương này có trên 300 hộ làm nghề chằm nón, nhưng nay còn chưa đến 20 hộ. Làng nón Phú Hồ (Phú Vang) cũng rơi vào cảnh tương tự khi có thời điểm có đến 800 hộ chằm nón, nhưng giờ chỉ còn khoảng dưới 15 hộ.

Dẫn chứng những con số để thấy, thị trường tiêu thụ nón lá ngay tại tỉnh vẫn chưa ổn định, làm nhiều cũng khó tiêu thụ. Ngay ở chợ Đông Ba, ngôi chợ đầu mối lớn về buôn bán nón Huế nhưng tỷ lệ nón Huế chỉ chiếm 10 - 40%, còn phần lớn nón lá nhập từ Quảng Bình và Bình Định. Khó khăn trước mắt của nghề làm nón lá Huế khiến người ta nghĩ đến ngành du lịch nhằm giải quyết đầu ra, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm. Qua đó, hình thành hoạt động sinh kế cộng thêm kích thích và duy trì sức sống cho các làng nghề truyền thống.

Trên thực tế, du lịch đã xuất hiện ở các làng nghề làm nón lá ở Huế. Tuy nhiên, trong các chương trình du lịch của các đơn vị lữ hành, việc đưa vào chương trình trải nghiệm - tham quan làng nghề nón lá truyền thống Huế rất hạn chế. Nón lá Huế chỉ mới dừng lại ở không gian quà tặng lưu niệm hơn là không gian văn hóa du lịch. Rõ ràng, việc chuyển mình từ không gian quà tặng thương mại sang không gian văn hóa du lịch là việc làm không dễ dàng và thật sự mang tính cấp thiết.

Toàn tâm với công việc

Để nón lá sinh động từ du lịch cộng đồng

Tại hội thảo bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của nghề nón lá Huế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, muốn xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với nghề làm nón Huế theo định hướng chuỗi giá trị, cần xác định vai trò và có sự vào cuộc của các bên liên quan. Tác nhân “gánh chuỗi” thường do các đơn vị (doanh nghiệp) kinh doanh lữ hành thực hiện bởi sự nhạy bén, am hiểu thị trường, trên cơ sở đó khai thác nhu cầu của du khách. Còn du khách sẽ là đối tượng thụ hưởng và đồng sáng tạo để nâng cấp chuỗi giá trị du lịch địa phương.

“Nguồn lực tự thân” của người dân được xem có sức hấp dẫn mạnh mẽ trong việc phát triển du lịch cộng đồng đã được đề cập đến. Ở đó, không cần trang bị những vật dụng có mức giá cao ngất ngưởng, không cần đầu tư để xây dựng những không gian hiện đại và kiên cố. Nguồn lực tự thân chỉ là “nếp nhà” giản dị, vật dụng đơn giản, không gian sống thân thiện môi trường gắn với thực hành nghề truyền thống và trên cơ sở đó, chỉ cần sắp xếp, tạo hình sao cho ngăn nắp và gọn gàng là đủ chuyển tải các giá trị sống động của làng nghề. Những yếu tố hoài niệm, những ý đồ thân thiện với môi trường của nghề làm nón lá là tiền đề dẫn dắt những cảm xúc cho du khách trong thói quen tiêu dùng trách nhiệm.

Theo TS. Tạ Duy Linh và TS. Dương Đức Minh (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế & Du lịch tại TP. Hồ Chí Minh), khi phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề làm nón lá Huế theo định hướng chuỗi giá trị sẽ phá tan tính chất rời rạc, thiếu hệ thống và thiếu sự gắn kết của các bên liên quan tham gia vào chuỗi cung ứng. Vô hình trung, chuỗi giá trị làm cho cấu trúc sản phẩm du lịch thêm vững vàng, hạn chế các rủi ro do thực hành sinh kế du lịch mang lại. Du khách sẽ yên tâm khi sở hữu sản phẩm từ sự trải nghiệm bởi việc được tham gia vào hoạt động sản xuất sản phẩm. Chính sự tham gia trải nghiệm của du khách sẽ góp phần loại trừ đi những cảm xúc tiêu cực, làm gia tăng hiệu ứng bền vững cho các mối quan hệ cung – cầu du lịch tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường cần xây dựng đội ngũ có tay nghề giỏi, những nghệ nhân làng nghề có kiến thức về công nghệ. Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhân viên trong hoạt động kinh doanh lữ hành, đội ngũ thuyết minh viên có trình độ hiểu biết về làng nghề, nghệ nhân, người thợ nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh nghề và làng nghề đến với du khách. Đồng thời, kết hợp với đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho các chủ hộ sản xuất có nhiều kỹ năng, ý tưởng để sản xuất được nhiều dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.

Phát du lịch làng nghề thực sự là thế mạnh và thu hút khách du lịch mỗi khi đến Huế. Tuy nhiên, cần tiếp cận thông tin, công nghệ chuyển đổi số để quảng bá giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng; xác định lựa chọn làng nghề phù hợp để đưa vào tuyến du lịch, tránh áp dụng tràn lan gây nhàm chán cho du khách. Ngoài ra, cần chăm chút kỹ lưỡng hơn, có nhiều dịch vụ tại chỗ hơn để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến du lịch làng nghề nón lá ở Huế.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 08/05/2023