Thông qua hoạt động đang rất phổ biến là workshop, các đơn vị làm du lịch chuyển tải những câu chuyện văn hóa, làng nghề, ẩm thực bản địa đến du khách. Tại TP Cần Thơ, Mekong Silt Ecolodge (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ) được biết đến là đơn vị thường xuyên tổ chức workshop nghề truyền thống đến gần du khách.
Hoạt động đan các sản phẩm lục bình vẫn diễn ra mỗi ngày tại Mekong Silt Ecolodge.
Trong khuôn viên xanh mát của Mekong Silt Ecolodge, du khách sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc: dệt chiếu, đan vỏ lục bình, làm bánh dân gian… Những hoạt động này diễn ra mỗi ngày, như là một phần thường có tại khu nghỉ dưỡng. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ khu Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Hiện tại, rất nhiều du khách quốc tế có xu hướng tìm hiểu về tập quán lao động và văn hóa bản địa. Tôi cho rằng làng nghề là tinh hoa của dân tộc và luôn ước mơ phục dựng, phát triển các làng nghề. Ngày trước sản phẩm làng nghề của chúng ta chỉ được bán kèm, nhưng nay tôi muốn đưa vào du lịch, như là cách làm tăng giá trị sản phẩm, vừa giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời qua đó góp phần gìn giữ làng nghề, lan tỏa được những nét đẹp văn hóa đến du khách, nhất là khách quốc tế”.
Đưa làng nghề vào du lịch là bài toán khó, nhất là về nhân lực. Những người làm nghề thủ công như dệt chiếu, đan rổ, đánh võng hay đan giỏ… không dễ tìm, nhất là những nghề xưa. Tuy nhiên đội ngũ của Mekong Silt Ecolodge vẫn không ngừng tìm hiểu, học tập từ những người dân cố cựu ở khắp các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó mang mô hình làng nghề về. Những nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge chịu khó, có tâm huyết và yêu nghề. Một trong số họ là Trương Thanh Quyên (Kiên Giang) tốt nghiệp ngành Việt Nam học, đã gắn bó với Mekong Silt Ecolodge suốt 3 năm qua, từ thời điểm khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động. Trương Thanh Quyên là người chịu trách nhiệm chính các chương trình workshop về làng nghề, ẩm thực. Cô chia sẻ: “Tôi học văn hóa và có tình yêu với văn hóa bản địa, nên ở đâu có cái gì hay là đều học, sau đó đem về ứng dụng trong du lịch. Đối với các làng nghề, tôi học và biết cách thực hành từ những người địa phương, sau đó mình ứng dụng vào du lịch với những sản phẩm đa dạng hơn”.
Tại Mekong Silt Ecolodge, những sản phẩm được làm ra sẽ có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Cụ thể như những sản phẩm từ lục bình. Không chỉ có những chiếc giỏ như thường thấy mà nó còn được sáng tạo thành những chiếc thảm lục bình, lót ly, dép lục bình... Thậm chí cả những túi xách, hoa tai xinh xắn, nghệ thuật. Những sản phẩm này được ứng dụng thực tế vào khu nghỉ dưỡng, như thảm trải bàn, hay trang trí bàn ăn… Chỉ từ lục bình, tại đây có hơn 20 mẫu có thể ứng dụng vào các hoạt động du lịch, làm đẹp. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền nói: “Bên cạnh các mẫu truyền thống, chúng tôi tự nghiên cứu để làm mới sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm của làng nghề. Việc ứng dụng sản phẩm từ lục bình trong du lịch rất phù hợp với xu hướng du lịch xanh, thân thiện môi trường. Do đó, chúng tôi cũng định hướng sẽ sản xuất lượng lớn sản phẩm này kết nối cung ứng cho các đơn vị lưu trú, doanh nghiệp làm du lịch để hướng tới mục tiêu chung là du lịch thân thiện, xanh và bền vững với môi trường”.
Những sản phẩm từ lục bình tại đây có sự sáng tạo và nhận được không ít sự yêu thích của du khách. Đặc biệt là những chiếc giỏ, hoa tai từ lục bình thường được du khách mua về rất nhiều. Đây cũng là ý tưởng để làm sản phẩm quà tặng lưu niệm ý nghĩa, khách vừa có thể trải nghiệm vừa có quà mang về.
Thực tế, việc đưa làng nghề vào du lịch không chỉ tạo thêm những trải nghiệm cho hoạt động của du khách, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực xung quanh. Cô Phạm Thị Bích Triều, một người dân ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, vào làm tại Mekong Silt Ecolodge một thời gian, chia sẻ: “Hồi trước nhà tôi làm bánh, nay vô đây làm du lịch. Ở đây mình được tiếp xúc nhiều người, nghề bánh được người ta biết hơn. Thi thoảng, tôi cũng học đan giỏ, đan chiếu cùng những người khác, vừa có công ăn việc làm vừa biết thêm nghề mới nên rất vui”. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền bộc bạch: “Thực tế làm du lịch bền vững là phải có đầu tư bài bản, nhân lực và sản phẩm chất lượng, nhưng cần phải có cộng hưởng yếu tố bản địa, sự chung tay của người dân, cộng đồng. Đây cũng là mục tiêu, chiến lược của Mekong Silt Ecolodge hướng đến du lịch xanh, bền vững”.
Bài và ảnh: Ái Lam