Với gần 500 năm, 3 cây cổ thụ tại thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Theo đề xuất của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa công nhận 3 cây cổ thụ tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội là Cây Di sản. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc bảo vệ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam.
Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản được chính quyền địa phương tổ chức long trọng vào ngày 7/5 vừa qua với sự tham dự của nhiều đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ảnh: Danh Trường
Đồng thời, tiếp tục cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Song Khê quyết tâm hơn nữa xây dựng quê hương ngày càng vững bước giành thắng lợi mới, ngày càng giàu đẹp và văn minh. Trân trọng giữ gìn những giá trị đã có và không ngừng phát huy để tạo dựng phát triển những giá trị tốt đẹp hơn trong tương lai.
Theo người dân địa phương, trong kháng chiến, cây đa ba rễ là tụ điểm để du kích và dân làng chống giặc. Chùa Bối Khê cũng là nơi tụ điểm hoạt động của du kích xã Tam Hưng. Hệ thống địa đạo ngầm trong lòng đất mà cửa hầm bí mật tại chùa Bối Khê (còn lưu giữ đến ngày nay).
Lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (GS.TSKH. Trần Hiếu Nhuệ và GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh - thứ 2 và 3 từ trái sang) tới dự và trao Bằng công nhận Cây Di sản. Ảnh: Danh Trường
Cũng tại Hà Nội, trước đó, quần thể 12 cây cổ thụ (9 cây muỗm va 3 cây nhãn) có tuổi đời từ 500 – trên 700 năm tại chùa Láng (phường Láng Thượng, Đống Đa) được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Phạm Dung