Phát triển du lịch cộng đồng rừng dừa nước Quảng Ngãi

Cập nhật: 12/05/2023
Men theo dọc biển thành phố Quảng Ngãi, hòa vào dòng sông Kinh có một cánh rừng ngập mặn độc đáo, đó là rừng dừa nước Tịnh Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Người dân nơi đây bám rừng mưu sinh và cũng chính họ cùng chung sức, đồng lòng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thu hút rất nhiều khách đến tham quan.

Hướng dẫn viên chân đất

Những ngày cuối tuần, khách du lịch trong và ngoài tỉnh nườm nượp tìm về rừng dừa nước Tịnh Khê để được hòa mình vào màu xanh tươi mát giữa những mùa hè oi ả. Du khách trải nghiệm chèo thuyền băng qua các con lạch, thưởng thức trái dừa nước và cùng người dân làm nghề thủ công.

Khách tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê. Ảnh: HTX cung cấp

Ông Phạm Văn Hiền (63 tuổi, thôn Trường Định) là người chèo thuyền mưu sinh trên rừng dừa nước. Ông nói: “Nhà tôi có 4 sào dừa, mỗi ngày tôm cá cứ thế mà sinh sôi trong rừng, người dân không lo thiếu ăn, còn có thể hái lá dừa về chằm thành tấm để bán. Địa phương có chủ trương phát triển du lịch, bà con vui mừng khôn xiết”.

Ông Hiền cùng nhiều người dân tham gia vào du lịch cộng đồng, nông dân vừa là người thạo nghề sông nước vừa là hướng dẫn viên “chân đất”. Ông Hiền đã có thâm niên 2 năm chèo thuyền dẫn khách trên rừng dừa nước, vui mừng chia sẻ: “Mỗi lần có khách đi, tôi vừa chèo vừa giới thiệu về lịch sử. Tôi kể với họ rằng mỗi người dân nơi đây tự hào rừng dừa nước gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bà con đã bám đất giữ làng, mưu sinh đến ngày nay”.

Ông Phạm Văn Hiền kể về lịch sử rừng dừa nước Tịnh Khê. Ảnh: Nguyễn Trang

Trong thời chống Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng dừa có diện tích hàng trăm hecta, sinh trưởng trên vùng đầm lầy và ngập mặn của dòng sông Kinh, tạo thành một địa thế chiến lược hết sức hiểm yếu, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang trú ẩn. Rừng dừa nước Tịnh Khê có thể ví như "đám lá tối trời" của nghĩa quân Trương Định tại ven biển Gò Công, là an toàn khu của cách mạng ở miền đông Sơn Tịnh, là địa bàn bất khả xâm phạm của quân và dân xã Tịnh Khê.

Ông Hiền hướng ánh mắt về phía bia di tích và cảm thấy vinh dự khi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử văn hoá Căn cứ Rừng dừa nước.

Những chiếc dừa nước cũng mang lại nguồn thu nhập cho người dân bằng nghề thủ công như chằm lá dừa thành tấm và bán đi khắp các nơi miền Trung, Tây Nguyên và đảo Lý Sơn.

Ông Nguyễn Văn Bé (58 tuổi, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê), có 3 sào dừa nước, nói: “Từ lúc nhỏ, tôi theo cha mẹ học nghề chằm lá dừa và kế nghiệp cha mẹ đến bây giờ. Nghề chằm lá dừa nước rất vất vả, sau khi cắt dừa về phải phơi khô 7 ngày nắng rồi mới chằm thành tấm”.

Mỗi năm, ông Bé xuất bán 4.000-5.000 tấm, mỗi tấm giá 42.000 đồng/tấm, trừ chi phí, lãi ròng bình quân từ 90-100 triệu đồng/năm. Ông Bé cho biết: “Để giữ gìn rừng dừa nước, mỗi hộ dân chỉ thu hoạch lá dừa 2 lần/năm vào tháng 3 và tháng 7. Những lá già ngã xuống thì lá non mọc lên làm rừng dừa thêm xanh mát”. Ông vui mừng khi quê hương làm du lịch, đây là cơ hội để ông và nhiều hộ dân được giới thiệu với khách và hướng dẫn khách trải nghiệm cuộc sống mưu sinh vùng sông nước.

Làm chuyên nghiệp du lịch bản địa

Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2023. Tại đây đã trở thành nơi gắn kết, chung sức, đồng lòng cùng người dân làm du lịch. Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX, cho biết: “Trước đây, người dân chở khách không trang bị đủ thiết bị, thiếu an toàn khi chèo thuyền ở vùng sông nước, bây giờ, 100% các thuyền chở khách tham quan đều được HTX trang bị áo phao, mỗi thuyền chở không quá 4 khách/lần, giá cả niêm yết công khai để tránh chèo kéo, tự ý nâng giá du lịch”.

Rừng dừa nước đón khách tham quan. Ảnh: HTX

Hiện nay HTX có 17 thành viên tham gia và tiếp tục vận động người dân có rừng dừa nước cùng tham gia du lịch cộng đồng. Toàn xã có khoảng 12ha diện tích dừa nước, tập trung thôn Trường Định và thôn Cổ Lũy, dọc dòng sông Kinh.

Người dân sống quanh rừng dừa nước có nghề chằm lá dừa, bình quân mỗi hộ có thể chằm 2.000-3.000 tấm/năm, thu nhập bình quân 50-100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người dân có nghề đánh bắt cá tôm trên sông, bán trái dừa nước…

Anh Dũng cho biết: “Du lịch cộng đồng là người dân làm chủ, do vậy họ cũng là hướng dẫn viên bản địa. HTX tập huấn người dân cách làm du lịch và cùng người dân khôi phục một số nghề truyền thống từ nguồn nguyên liệu lấy từ cây dừa, cây cói và nguồn lợi thuỷ sản sinh tồn”.

Ngày càng nhiều hộ dân tham gia vào HTX cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: HTX

Đến nay có khoảng 10 hộ dân tham gia chèo thuyền phục vụ du khách, người dân tham gia chèo thuyền phần lớn là độ tuổi 50, 60 tuổi, quanh năm gắn bó với rừng dừa. Vào ngày cuối tuần, rừng dừa nước Tịnh Khê đón khoảng 200 khách/ngày và trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 vừa qua, đón khoảng 2.000-3.000 khách. Nhờ đó, những người tham gia chèo thuyền có thêm nguồn thu nhập khoảng 120.000 đồng/chuyến.

Anh Dũng cho biết: “HTX cũng đang thiết kế 10 homestay ngay trên rừng dừa nước làm nơi lưu trú cho du khách, xây các tuyến đường nội bộ dẫn vào rừng dừa để khách đi bộ. Hướng tới phát triển du lịch nâng cao giá trị rừng dừa nước, từ đó, người dân ý thức trong quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng dừa, để phát huy giá trị lịch sử văn hoá của nó vào đời sống xã hội”.

Nguyễn Trang

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng Online - sggp.org.vn - Đăng ngày 12/5/2023