Đắk Lắk: Hồ Lắk - viên ngọc quý giữa đại ngàn Tây Nguyên

Cập nhật: 12/05/2023
Được coi là viên ngọc quý giữa đại ngàn Tây Nguyên, thắng cảnh hồ Lắk mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình và chứa đựng nhiều giá trị về tự nhiên, cảnh quan, văn hóa. Đây là một điểm đến lý thú đối với du khách khi tới tỉnh Đắk Lắk.

Mênh mông hồ Lắk

Chốn bình yên giữa đại ngàn

Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), cách thành phố Buôn Ma Thuột 56km về phía nam theo quốc lộ 27. Nếu đi từ Buôn Mê Thuột, qua đèo Lạc Thiện khoảng 10km trước khi vào thị trấn Liên Sơn sẽ nhìn thấy hồ nằm bên tay phải. Không gian của hồ Lắk bao gồm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng của huyện Lắk.

Hồ có diện tích 6,2km2, là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên, lớn thứ hai cả nước sau hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Hồ Lắk được cung cấp nước bởi con sông Krông Ana, trữ lượng nước luôn dồi dào. Hồ nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển, khí hậu nơi đây tương đối ôn hòa. Thời tiết của vùng hồ thay đổi như 4 mùa trong ngày: Mát mẻ vào sáng sớm, oi nồng giữa trưa, dịu êm buổi chiều và se lạnh vào đêm.

Hồ Lắk được bao bọc bởi những dãy núi và cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Mặt hồ mênh mang, xanh ngắt, phản chiếu hình bóng mây trời và núi rừng, cảnh sắc vô cùng thơ mộng. Sinh sống xung quanh hồ đa phần là người M’nông tại buôn Jun, buôn M’Liêng, buôn Lê… nay vẫn còn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Biệt điện Bảo Đại cùng với hồ và khu rừng xung quanh đã được xác định là Khu rừng lịch sử văn hóa môi trường hồ Lắk (một loại rừng đặc dụng) từ năm 1995, với tổng diện tích 12.299ha. Theo đó, nhiều chương trình bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, bảo vệ hệ sinh thái núi rừng Tây Nguyên, nghiên cứu khoa học, giáo dục, bảo tồn văn hóa... đã được thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ rừng đầu nguồn phòng hộ.

Những trải nghiệm thú vị 

Với những giá trị riêng biệt, khách du lịch tới hồ Lắk không chỉ ngắm nhìn, cảm nhận và tận hưởng phong cảnh thiên nhiên, mà còn có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa Tây Nguyên. Du khách có thể đi dạo theo con đường ven hồ hay đi thuyền máy trên hồ để ngắm cảnh. Đan xen với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ là hình ảnh những nông dân, ngư dân làm ruộng, đánh cá thật đẹp và dung dị. Để có trải nghiệm thú vị hơn, du khách có thể đi thuyền độc mộc trên hồ. Những con thuyền độc mộc này đều là thuyền có từ lâu, có cái đã qua vài thế hệ sử dụng.

Trước kia, ở hồ Lắk còn có dịch vụ cưỡi voi đi trên lòng hồ hay đi dạo trong buôn làng. Từ cuối năm 2022, chính quyền Đắk Lắk đã quyết định dừng dịch vụ cưỡi voi để bảo vệ đàn voi nhà theo đề nghị của Tổ chức Động vật châu Á. Khu vực hồ Lắk có hơn 10 cá thể voi nhà, đứng thứ hai trên toàn địa bàn Tây Nguyên, sau huyện Buôn Đôn. Dịch vụ cưỡi voi nay được thay thế bằng dịch vụ tương tác thân thiện với voi như cho voi ăn, tắm cho voi…

Ghé thăm biệt điện của vua Bảo Đại là điều không thể bỏ qua khi tới hồ Lắk. Đây là công trình độc đáo mang dấu ấn lịch sử. Từ trên sân biệt điện có thể ngắm toàn bộ cảnh hồ rộng lớn và những dãy núi trùng điệp.

Tham quan, tìm hiểu đời sống và văn hóa các buôn làng quanh hồ là trải nghiệm thú vị nhất. Các buôn làng quanh hồ hầu hết vẫn giữ được nét truyền thống và tính bản địa - đặc biệt, buôn Jun được tổ chức thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Du khách có thể tới thăm bất cứ lúc nào trong ngày hay ở lại qua đêm trong một số homestay. Tại đây còn gìn giữ được những ngôi nhà dài truyền thống với mái lợp cỏ tranh, vách thưng liếp nứa, cùng các vật dụng của người Tây Nguyên như chiêng, ché cổ, các loại nông ngư cụ… Nghề dệt thổ cẩm vẫn được gìn giữ và phát huy. Du khách có thể cùng người dân uống rượu cần, giã gạo, dệt thổ cẩm hay thưởng thức đêm hội cồng chiêng, điệu múa lửa, múa ngày mùa, sử dụng đàn t’rưng, đàn k’lông pút, đàn đá… Ẩm thực nơi đây phong phú và độc đáo với nhiều món ăn ngon như chả cá thát lát hồ Lắk, gỏi cà đắng cá cơm, cơm lam, canh tro, canh rêu đá...

Người M’nông ở buôn sống giản dị, hiếu khách và đã quen với dịch vụ du lịch. Chị H’Thủy B’Lieng cho biết: “Trước đây người buôn Jun chỉ biết trồng lúa thôi, nhưng từ khi du lịch phát triển, nhiều hộ trong làng chuyển sang dệt thổ cẩm, làm cơm lam, nấu các món đặc sản phục vụ du khách. Có nhà còn đầu tư thuyền cho khách thuê chèo du ngoạn hồ, cuộc sống của buôn dần khấm khá”. Anh Nguyễn Quốc Anh, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trước khi tới đây, tôi nghe nói hồ Lắk như thiên đường nơi hạ giới. Quả đúng là như thế. Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và rất hoang sơ. Đặc biệt hơn cả là được trải nghiệm cuộc sống cùng những nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây”.

Bài và ảnh: Hà Thành

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 11/05/2023