Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh Cà Mau, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.
Ông Võ Quốc Thống, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Năm 2021, do dịch bệnh, lượng khách giảm sâu, song, huyện đã chủ động tạo ra nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, nhằm kích cầu, tạo dấu ấn riêng cho lĩnh vực này. Khởi sắc nhất là từ đầu năm 2023 đến gần cuối tháng 4, đạt khoảng 25 ngàn lượt khách. Ðặc biệt, chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ 5 ngày dịp 30/4 và 1/5, các điểm du lịch đón hơn 12 ngàn lượt khách, doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Sự phát triển du lịch theo hướng sinh thái, cộng đồng là hướng đi khẳng định hiệu quả. Các điểm du khách đến tham quan nhiều nhất là Khu Di tích lịch sử Quốc gia hòn Ðá Bạc, Ðiểm du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt và Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ. Ngoài ra, còn có một số điểm dừng chân ở đầm Thị Tường, cửa biển Sông Ðốc”.
Theo ông Thống, cửa biển Sông Ðốc có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, bởi nơi này có tàu cao tốc từ Sông Ðốc đến đảo Nam Du - Phú Quốc; tuyến đường Tắc Thủ - Co Xáng - Ðá Bạc kết nối với tuyến đê biển Tây qua Sông Ðốc, tuyến bờ Nam qua Sông Ðốc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2021 đến nay.
“Cầu Sông Ðốc sẽ hoàn thành trong năm 2023, kết nối các tuyến qua Quốc lộ 1 đến Ðất Mũi và ngược lại, chắc chắn sẽ thu hút khách tham quan trên địa bàn huyện”, ông Võ Quốc Thống kỳ vọng.
Khấp khởi, nhưng khó khăn hiện nay của huyện cũng chính tại các điểm thu hút du lịch và có tiềm năng lớn nhất. Bởi lẽ, hòn Ðá Bạc do Bộ Công an quản lý, hiện giao cho Công an tỉnh tiếp quản; VQG U Minh Hạ thuộc Ban Quản lý VQG U Minh Hạ quản lý, vừa bảo vệ rừng, vừa khai thác phát triển du lịch; còn đầm Thị Tường chưa được kêu gọi đầu tư nhiều. Vì lẽ đó đã ảnh hưởng khá lớn đến việc phát triển các dịch vụ du lịch, kể cả phát huy ẩm thực địa phương. Từ đó, kéo theo việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, OCOP phục vụ du khách dọc các tuyến đường cũng hạn chế.
Chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ 5 ngày dịp 30/4 và 01/5 năm nay, Khu Di tích lịch sử Quốc gia hòn Ðá Bạc đón hơn 10 ngàn lượt khách đến tham quan.
Xác định năm 2023 vẫn đầy thách thức với lĩnh vực du lịch, vì vậy, việc đẩy mạnh các chương trình, giải pháp để tạo đột phá về du lịch phát triển bền vững là nhiệm vụ được các ngành, địa phương tập trung thực hiện.
Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác đi tham quan ở các tỉnh, tiếp thu những mô hình phát triển du lịch phù hợp để có kế hoạch cụ thể, kèm theo giải pháp hỗ trợ đúng mức cho các điểm dừng chân, các điểm du lịch sinh thái như: VQG U Minh Hạ, hòn Ðá Bạc, Sông Ðốc và hỗ trợ bến cao tốc Sông Ðốc - Nam Du - Phú Quốc, tạo điều kiện để khách đi - về và ở lại tham quan mua sắm hoặc thưởng thức ẩm thực… tạo sự hài lòng và đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.
Ðặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, huyện ban hành kế hoạch về việc phát triển du lịch theo nhiệm vụ đột phá năm 2023 nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch xác định hướng phát triển phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Xã Khánh Bình Tây là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xã đang định hướng kết nối du lịch hòn Ðá Bạc với các điểm du lịch trên địa bàn, nhất là khu vực 12 hộ trồng sen đang thu hoạch sản phẩm thường xuyên. Khu vực này thuận tiện về giao thông thuỷ, bộ; người dân có nguyện vọng thực hiện hoạt động nông nghiệp kết hợp với du lịch để tăng thu nhập. Tuy nhiên, còn hạn chế về tải trọng và cấp đường bộ nên phương tiện vận chuyển hành khách lớn không vào được. Cảnh quan, vệ sinh môi trường chưa sạch, đẹp; người dân chưa được tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Các sản phẩm khai thác từ sen chỉ là những sản phẩm thô, giá trị thấp, chưa tận dụng tối đa các nguyên liệu từ sen…”.
Từ nhu cầu thực tế, huyện giao các cơ quan chuyên môn rà soát ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển sản xuất liên quan đến khu vực này; hướng dẫn cộng đồng trồng sen đăng ký pháp nhân để tổ chức thực hiện các hoạt động du lịch; triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan... Hiện xã Khánh Bình Tây đang xúc tiến thành lập hợp tác xã nông nghiệp sinh thái và du lịch nhằm tạo sự liên kết.
Ðối với Khu Di tích lịch sử Quốc gia hòn Ðá Bạc, theo ông Võ Quốc Thống, định hướng tới đây, huyện đề nghị Ban Quản lý khu di tích báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền cho phép tổ chức du lịch kết hợp với tâm linh (tổ chức Lễ hội Nghinh Ông, bố trí thêm công trình tín ngưỡng phù hợp với văn hoá và tín ngưỡng người dân sinh sống, khai thác tại vùng biển). Hoàn chỉnh việc sắp xếp các hoạt động và trật tự mua bán trước khu cổng hòn Ðá Bạc; nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ, đa dạng các loại hình dã ngoại và hàng hoá phục vụ du khách.
Cà Mau Eco là điểm du lịch mới, thuộc địa bàn xã Trần Hợi, đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dự kiến chính thức hoạt động trong tháng 9 năm nay.
Khu tưởng niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) - Di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh, được rà soát lại hiện trạng pháp lý theo quy định; đồng thời, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan phát huy giá trị lịch sử, phục vụ du khách tham quan và kịp thời hỗ trợ đối với những vấn đề phát sinh.
Toàn huyện có 5 “điểm dừng chân”, qua khảo sát, chỉ có Cơ sở Huỳnh Lập (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi) được đầu tư khá cơ bản, cung cấp các dịch vụ và bán sản phẩm; các điểm còn lại cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu. Do đó, huyện giao các phòng chuyên môn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ các cơ sở này về thủ tục pháp lý, hỗ trợ vay vốn phát triển du lịch; nâng cấp và mở rộng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu, chuẩn bị điều kiện phân phối các sản phẩm đặc trưng và OCOP.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quảng bá và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm phục vụ du lịch gắn với giải quyết việc làm, phát triển làng nghề; đăng ký chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, thông tin chỉ dẫn địa lý, niêm yết giá cả…
Huyện Trần Văn Thời đang đẩy mạnh việc quảng bá và phát triển sản phẩm phục vụ du lịch gắn với giải quyết việc làm, phát triển làng nghề; đăng ký chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, thông tin chỉ dẫn địa lý, niêm yết giá cả…
“Rất mong UBND tỉnh sớm kêu gọi đầu tư đầm Thị Tường với mục đích đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái (thuộc địa bàn 3 huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân và Cái Nước). Ðồng thời, mong rằng Sở Công thương quan tâm đến các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh dầu để hỗ trợ về chính sách khuyến công, đầu tư cho các cơ sở phát huy các sản phẩm phục vụ du khách mua sắm, làm quà biếu”, ông Võ Quốc Thống kiến nghị.
Với những giải pháp đồng bộ, tin rằng du lịch huyện Trần Văn Thời sẽ tiếp tục khởi sắc, khẳng định hướng đi đúng của cấp uỷ, chính quyền trong định hướng xây dựng và phát triển du lịch; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung./.
Băng Thanh - Anh Tuấn