Nghề se lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang

Cập nhật: 16/05/2023
Cây lanh đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang từ bao nhiêu đời nay. Những công đoạn làm nên loại thổ cẩm đầy sắc màu của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn giờ đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc đầy sức cuốn hút đối với mỗi du khách khi đến khám phá làng dệt thổ cẩm truyền thống Lùng Tám ở huyện Quản Bạ, Hà Giang.

Lùng Tám là một xã thuộc huyện Quản Bạ, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 50 km. Nơi đây, người Mông vẫn giữ gìn nghề dệt vải lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công. Cây lanh còn là một trong những vật linh thiêng được sử dụng trong hầu khắp các phong tục, tín ngưỡng của người Mông trong dựng vợ gả chồng, ngày cúng, giỗ, lễ, Tết.

Lanh còn là một biểu tượng trong các khúc hát giao duyên với nhiều ý nghĩa, cung bậc của tình yêu, tình vợ chồng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mông, vải lanh được coi là sự gắn kết bền chặt giữa con người và thế giới tâm linh tồn tại từ bao đời.  Trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá, nghề dệt thổ cẩm có vị trí rất quan trọng. Người Mông ưa chuộng vải lanh, bởi nó có độ bền chắc, thông thoáng và không bị mốc. 

Những công đoạn làm nên loại thổ cẩm đầy sắc màu của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn giờ đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc.

Để làm ra được tấm vải lanh, người Mông phải tốn khá nhiều công sức bao gồm  gieo hạt, thu hoạch cây lanh, bóc tách sợi, se lanh, nối sợi, quay guồng, dệt vải, giặt, phơi... Đầu tiên là phải khéo léo tước cây lanh lấy vỏ. Những bó vỏ lanh được cuộn chặt rồi cho vào cối giã cho bong hết bột chỉ còn trơ lại sợi dai. Những bó sợi lanh được xe và cuộn lại thành những con sợi lớn.

Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn, những người phụ nữ Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Tấm vải lanh sau khi dệt sẽ được nhuộm. Màu chàm đen là chủ đạo nhưng người Mông còn nhuộm những màu khác như đỏ, vàng, xanh sẫm… 

Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Người Mông ngâm vải trong nước chàm chừng một giờ, sau đó vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp, lặp đi lặp lại 5 - 6 lần mới đem vải đi phơi. Khi mảnh vải khô, người Mông lại mang vào ngâm tiếp, cứ như thế khoảng 8-10 lần việc tạo nên những hoa văn, họa tiết bằng kỹ thuật thêu đắp vải màu và vẽ hoa văn sáp ong độc đáo. Nghệ nhân sẽ dùng sáp ong được đun nóng để vẽ trên nền vải những họa tiết truyền thống của người Mông. Sau khi vẽ xong, đem nhuộm chàm, phần sáp ong không thấm màu sẽ để lại những hình hoa văn sinh động trên vải.

Các sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được giới thiệu rộng rãi. Ảnh: LH.

Nếu như trước đây, thổ cẩm thường được trang trí bằng các ô đường diềm, hình khối, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông và được dùng để may váy, áo. Thì nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sản phẩm thổ cẩm được may thành nhiều loại với thiết kế đẹp mắt, họa tiết, màu sắc đa dạng, phong phú như: Ba lô, túi xách, khăn, ga, gối… 

Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 01/2016.

Nguyễn Minh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 14/05/2023