Lá cây nhân tạo - nhiên liệu sạch của tương lai

Cập nhật: 20/08/2009
Các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đang tìm cách mô phỏng quá trình quang hợp của lá cây để sản xuất các thiết bị tạo ra nguồn điện và các dạng nhiên liệu sạch khác. Quá trình quang hợp của cây để chuyển nước và khí CO2 thành đường được coi là cách thức biến đổi ánh sáng Mặt Trời hiệu quả nhất trên Trái Đất hiện nay. 

Theo đó, khi ánh nắng chiếu vào lá cây, nguồn năng lượng sẽ được hấp thụ để phục vụ một số phản ứng hóa học, trong đó có phản ứng tách nước thành hydro và oxy.

Tiếp đó, khí hydro sẽ kết hợp với khí CO2 mà lá cây hấp thụ từ không khí để tạo thành đường, vách tế bào và các chất hữu cơ khác.

Dựa trên ý tưởng đó, các nhà nghiên cứu khoa học đang bắt tay vào một dự án nghiên cứu có tên "lá cây nhân tạo", với tổng giá trị đầu tư 1 triệu bảng (1,7 triệu USD). Dự án sẽ mô phỏng quá trình lá cây tách các hạt phân tử nước thành các thành phần có thể tạo ra nguồn điện hydro hoặc metanon.

Theo ước tính của giới khoa học, nếu tận dụng được lượng ánh sáng chiếu vào Trái Đất trong 1 tiếng đồng hồ là đã có thể đáp ứng nhu cầu về điện năng cho cả thế giới trong vòng 1 năm.

Các nguồn nhiên liệu do "lá cây nhân tạo" tạo ra trước hết sẽ được ứng dụng trong sản xuất acquy dành cho ôtô chạy điện - loại xe thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao tách hydro ra khỏi nước, bởi các phương pháp hiện nay còn quá đắt đỏ. Thực vật đã có một quá trình tiến hóa hơn 2,5 tỷ năm để hoàn thiện chu trình này, tạo ra nguồn oxy lớn nhất cho Trái Đất.

Chuyên gia sinh vật học James Barber, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng nếu lá cây có thể làm được điều đó, thì khoa học cũng có thể làm được, thậm chí còn tốt hơn.

 

Nguồn: TTXVN