Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/2023), Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng”, giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập hiện vật độc đáo, đặc sắc gốm Bát Tràng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX.
Sưu tập gốm Bát Tràng – triều Nguyễn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Trưng bày gồm 4 phần; trong đó phần một có chủ đề “Lịch sử hình thành” gồm các tư liệu, hiện vật về lịch sử hình thành vùng đất Bát Tràng, nơi được sử sách ghi nhận là làng sản xuất đồ gốm; trong đó số lượng lớn các di vật là đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần. Bên cạnh đó, các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất gốm tại chỗ như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men… cho thấy nơi đây là một vùng sản xuất gốm cổ có quy mô lớn.
Phần 2 có chủ đề “Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV”, giới thiệu tới công chúng các đồ gốm với các loại hình: Bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa, lọ gốm "men tiền lam"...
Phần 3 có chủ đề “Gốm Bát Tràng thế kỷ XV-XVIII, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Phần trưng bày này giới thiệu đến công chúng các sản phẩm gốm Bát Tràng nổi tiếng như: Gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn... phục vụ rộng rãi nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Phần 4 với chủ đề “Gốm Bát Tràng thế kỷ XIX-XX" là thời kỳ đất nước có nhiều biến động, làng gốm truyền thống đang dần mai một do thị trường gốm xuất khẩu không còn. Đồ gốm Bát Tràng thời kỳ này bên cạnh các đề tài truyền thống còn xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa như: “Ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”, “Tam quốc chí”, “Bát tiên quá hải”, “Long Mã - Hà Đồ”, “Thần Quy - Lạc Thư”… Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo của mình, những người thợ gốm Bát Tràng đã thể hiện các đề tài theo các thủ pháp truyền thống và đạt được hiệu quả riêng biệt. Nhờ vậy, Bát Tràng là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay.
TT