Cây kơ nia cổ thụ ở Quảng Nam được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cập nhật: 17/05/2023
Cây kơ nia cồ thụ trên 300 năm tuổi tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa ban hành Quyết định công nhận cây kơ nia cổ thụ tại Quảng Nam là Cây Di sản. Theo đó, cây kơ nia có tuổi trên 300 năm, người dân bản địa quen gọi là cây cốc, mọc trên gò đất bằng phẳng cạnh ngôi miếu thờ Bà. Đến nay, không ai biết cây cốc có tự bao giờ, chỉ biết rằng cây cốc đã hiện hữu gắn với nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Cây kơ nia trên 300 năm tuổi được công nhận Cây Di sản. Ảnh: VACNE

Phát biểu trong buổi lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây kơ nia, Chủ tịch UBND xã Duy Phú Trần Thị Dương, cho biết việc cây kơ nia được công nhận Cây Di sản Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa trong tuyên truyền giáo dục người dân, cộng đồng, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường làng quê, hướng đến xây dựng nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của địa phương.

Gắn bia Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: VACNE

Kơ nia là loài thực vật thân gỗ lớn, lá đơn hình trái xoan mọc chụm ở đầu cành. Tán cây thường có hình trứng, sậm rất đặc trưng, xanh quanh năm và có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão. Tuy nhiên không phù hợp trồng trong các khu đô thị do quả rất sai, mùa quả rụng kín gốc, có dáng thon, hình e líp tròn trịa nên dễ làm trượt ngã khi dẫm phải. Ở trong rừng sau khi quả rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng sẽ bị phân hủy còn hạt được bao bọc bởi lớp vỏ xơ và vỏ gỗ nên được bảo quản đến vài năm không hư hỏng.

Phạm Dung

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 16/05/2023