Thắng cảnh Bàu Trắng từ lâu được coi là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, nổi tiếng, góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Bình Thuận, vốn có sức thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.
Thắng cảnh sinh thái tuyệt đẹp
Từ đầu năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định số 10 về phê duyệt Phương án quản lý điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng, huyện Bắc Bình, với quy mô diện tích khoảng 45 ha. Trong đó có khoảng 23,2 ha là đất rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 162, 163 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong quản lý. Diện tích còn lại khoảng 2,8 ha đất chưa sử dụng và 19 ha mặt nước do UBND xã Hòa Thắng quản lý. Đây là một quyết định quan trọng, làm cơ sở để các cấp, ngành chức năng bảo vệ và phát huy giá trị thắng cảnh Bàu Trắng.
Hồ nước ngọt tự nhiên tuyệt đẹp ở Bàu Trắng (Bắc Bình).
Với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo vẻ đẹp tự nhiên của Đồi Cát Trinh Nữ và khu vực Bàu Ông, Bàu Bà; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ trên đồi cát và Bàu Ông, Bàu Bà, đưa vấn đề bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực lên hàng đầu. Tổ chức các hoạt động tham quan với các hoạt động mang tính nghệ thuật, sáng tạo, các hoạt động văn hóa, thể thao. Sắp xếp, chỉnh trang đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, tạo không gian chung của khu vực; đảm bảo an ninh trật tự cho du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí.
Cuối năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó thắng cảnh Bàu Trắng được xác định là điểm du lịch quan trọng, biểu tượng độc đáo của Mũi Né. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận thắng cảnh Bàu Trắng là di tích cấp quốc gia. Tổng thể thắng cảnh Bàu Trắng được các ngành chức năng thống nhất khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích 371,88 ha (bao gồm Bàu Ông, Bàu Bà, đồi cát Trinh Nữ thuộc khu vực I với diện tích 285,91 ha và hành lang bảo vệ khu vực II với diện tích 85,97 ha). Với những định hướng phát triển như trên, hứa hẹn trong thời gian tới Bàu Trắng sẽ là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng mang đặc thù riêng, một tuyệt tác thiên nhiên độc đáo của Bình Thuận, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến.
Phương án quản lý, sử dụng
Để bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên du lịch vô giá của thắng cảnh Bàu Trắng đạt hiệu quả, phương án quy hoạch, quản lý, sử dụng khu vực Bàu Trắng được tỉnh xây dựng rất chi tiết, cụ thể. Nổi bật nhất đó là nét độc đáo góp phần tôn thêm giá trị của thắng cảnh Bàu Trắng là phế tích đền thờ Thiên Y A Na của người Chăm được xây dựng vào thế kỷ XVIII gắn với nhiều sự tích linh thiêng về Bàu Ông, Bàu Bà, cũng như quá trình khai phá, tạo lập cuộc sống trên vùng đất này. Do đó, về lâu dài cần có phương án, kế hoạch khôi phục lại ngôi đền thờ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương và du khách. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cộng đồng người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị thắng cảnh Bàu Trắng. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân ở khu vực xung quanh bờ hồ không được tùy tiện lấn chiếm, san lấp để làm nhà ở và sản xuất ở các khu vực này.
Trên cơ sở đặc điểm, đặc thù về môi trường sinh thái của thắng cảnh Bàu Trắng, tỉnh dự kiến đề xuất bố trí thành 3 phân khu chức năng chính. Khu mặt nước Bàu Trắng tổ chức khai thác các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái như: Chèo thuyền, du thuyền trên mặt hồ, câu cá. Chú ý sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường tự nhiên, hạn chế sử dụng động cơ, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị bảo hộ và nhân viên trực cứu hộ. Khu đồi cát (đồi Trinh Nữ): Bố trí nhân sự để quản lý, không tổ chức rào chắn, không được xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào, không trồng cây hay tác động lớn như đào, xới, san ủi. Phân định rõ từng khu vực trên đồi cát như: Khu trượt cát; khu tham quan ngắm cảnh, chụp hình, sáng tác nghệ thuật. Khu triển khai các hoạt động thể thao như mô tô địa hình, thả khinh khí cầu, thả diều... Không tổ chức các hoạt động như: Cưỡi đà điểu, cưỡi ngựa, dã ngoại bằng xe ô tô vào khu vực chính của đồi cát (chỉ cho hoạt động ở khu vực chân đồi cát) nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến cảnh quan.
Bên cạnh đó cần chú ý tuyên truyền, giáo dục cho người dân có ý thức, trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này. Đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến về giá trị, ý nghĩa và những vẻ đẹp độc đáo của thắng cảnh Bàu Trắng trên các phương tiện truyền thông…
An Nhiên