Ðộc đáo nhạc cụ dân tộc từ chất liệu dừa

Cập nhật: 22/05/2023
Nghệ nhân dân gian (NNDG) Võ Văn Bá (Ba Bá) sinh năm 1942, ngụ xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Cha ông Ba Bá là nhạc công thổi kèn của đoàn hát bội địa phương. Ông từng là nhạc công đờn cò, đờn tranh của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh. Với truyền thống âm nhạc của gia đình đã thấm nhuần trong máu thịt, ông Ba Bá đã chuyên tâm học hỏi và nghiên cứu âm nhạc truyền thống từ thuở nhỏ thông qua kiến thức âm nhạc tài tử của cha truyền dạy và học hỏi qua lớp đàn anh đi trước trong Đoàn Văn công Giải phóng. Ông đã phát triển đam mê sáng tạo ra những nhạc cụ dân tộc bằng chính chất liệu dừa trên quê hương Đồng Khởi.

Nghệ nhân dân gian Võ Văn Bá bên cây đàn kìm do chính ông sáng chế.

Đam mê gắn liền nghĩa tình quê hương

Năm 18 tuổi, ông Ba Bá học các nghệ nhân chế tác đờn cò bằng chất liệu tre, rồi lên Sài Gòn học 3 khóa liên tục (1,5 năm) ở Trường Công nghệ điện tử và vô tuyến Lê Văn Hương. Năm 2011, ông cùng đồng sự bắt đầu chế tác bộ nhạc cụ bằng dừa và đạt kỷ lục Guiness Việt Nam vào năm 2012, được trình diễn tại Lễ hội Dừa tỉnh năm 2012. Năm 2014, bộ nhạc cụ này được ông mang đi tham dự Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Bạc Liêu. 3 năm sau, bộ nhạc cụ đó đã đồng hành cùng ông đi biểu diễn ở tỉnh Bình Dương. Ông rất thành thục diễn tấu các bài bản nhạc lễ qua nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: đàn tranh, ghi-ta, măng-đô-lin và nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác.

NNDG Võ Văn Bá chia sẻ: “Để có những nhạc cụ dân tộc truyền thống, tôi cùng anh Lê Thanh Liêm (họa sĩ Lê Dân) chọn gỗ dừa có tuổi thọ từ 30 - 50 năm để chế tác. Nhạc cụ đầu tiên được tôi và họa sĩ Lê Dân chế tác thành công là đàn nhị (đàn cò) và đàn gáo, tiếp đó là đàn kìm. Tuy nhiên, vì gỗ dừa cứng nên khó có thể uốn cong đã gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người chế tác phải tỉ mỉ, sau quá trình mày mò nghiên cứu cây đàn kìm tạo được âm thanh to hơn và tiếng ngân vang hơn không thua các cây đàn làm bằng loại gỗ khác”.

Tại phòng trưng bày chuyên đề thuộc Nhà trưng bày thành tựu kinh tế - văn hóa Bảo tàng Bến Tre, với hơn 200 loại nhạc cụ nghệ thuật dân tộc cổ truyền được nghệ nhân Võ Văn Bá chế tác như: đờn (Banroalto, Banjo, bầu suông và mo nang, bầu hồ lô, cò tiểu và trung, gáo, Guitar mo nang và phím bằng, Guitar điện và ghép gáo dừa, kìm và kìm mo nang, sến, tranh 17 dây, tranh 24 dây, tranh khuyết nguyệt 21 dây, tứ phím bằng và lõm), trống (cơm, chiến, tiều), kèn lá, mỏ sổ dừa.

“Quá trình sáng tạo, chế tác nên những nhạc cụ dân tộc truyền thống từ chất liệu dừa rất đỗi kỳ công và đầy gian khổ nhưng đổi lại với sự yêu thích, mến yêu của mọi người đã tạo niềm tin và phấn khởi cho bản thân. Cây dừa đã che chở bom đạn và nghĩa tình cách mạng, luôn gắn liền cùng sinh hoạt và cuộc sống của nhân dân Bến Tre tự bao đời nay. Xuất phát điểm từ những suy nghĩ đó, tôi đã sử dụng thân dừa làm chất liệu chế tác nên những dụng cụ truyền thống của dân tộc. Mong muốn lan tỏa âm vang nghệ thuật trong cộng đồng gắn liền nét độc đáo và đặc sắc của quê hương Bến Tre”, NNDG Võ Văn Bá tâm sự. 

Vang vọng âm sắc dân tộc

Từ đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, ông Ba Bá kiên trì nghiên cứu, tạo nên bộ nhạc cụ dừa có một không hai. Chính vì thế, ông rất trân trọng những giá trị của bộ nhạc cụ này. Ông thường biếu tặng đàn cho bạn bè, du khách thập phương, với ai thật sự biết quý trọng các giá trị của bộ nhạc cụ. Ông muốn quảng bá hình ảnh cây dừa của quê hương Bến Tre. Đồng thời, đây cũng là cách ông “nhớ ơn” loài cây mang lại nguồn sống cho người dân xứ Dừa thân thương. Đặc biệt, ông có thể truyền dạy nghề làm nhạc cụ dừa cho người khuyết tật, bà con khó khăn. Nhạc cụ của ông có thể được xuất khẩu quốc tế để họ có thêm thu nhập cải thiện đời sống.

Nghệ nhân dân gian Võ Văn Bá bên cây đàn cò đại đạt Guinness Việt Nam năm 2014.

Ba cây đàn có tầm ảnh hưởng trong đời sống nghệ thuật dân tộc do ông Ba Bá chế tác: Năm 2014, cây đàn cò đại, với kích thước mặt đàn 0,63m, dài 1,03m và cao 2,65m, thời gian chế tác hơn 2 tháng đã đạt kỷ lục Guinness Việt Nam. Cũng trong năm ấy, cây đàn kìm cũng đạt kỷ lục Guinness Việt Nam với kích thước: mặt đàn 1,1m, cao 2,96m và bề dày 0,25m, thời gian chế tác sản phẩm 60 ngày công. Cây đàn bầu hình bản đồ Việt Nam, với chiều cao 1,85m, ngang 1m và có ráp máy khuếch đại âm thanh.

Theo ông Ba Bá, trong 3 cây đàn có kích thước lớn do mình chế tác thì ông yêu thích nhất là cây đàn cò và thường mang đi biểu diễn tại các lễ hội lớn trên khắp cả nước. Đàn cò kích thước vừa, ông thường sử dụng trong các buổi giao lưu đờn ca tài tử.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn cho biết: NNDG Võ Văn Bá đã gắn bó sâu sắc cùng quê hương Đồng Khởi. Ông đã dùng chính chất liệu dừa của quê hương Bến Tre tạo nên những nhạc cụ âm nhạc mang đậm tính truyền thống Việt Nam, giúp lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến cộng đồng nghệ thuật và công chúng đam mê nghệ thuật. Mỗi nhạc cụ do NNDG Võ Văn Bá chế tác đều mang đậm nét chấm phá, riêng biệt hòa chung âm vang âm nhạc truyền thống dân tộc. Qua chế tác nhạc cụ, NNDG Võ Văn Bá mong muốn giới thiệu cùng cộng đồng về nét đặc trưng và đặc sắc nghệ thuật của quê hương Bến Tre. 

Ghi nhận những đóng góp cho nghệ thuật dân tộc và địa phương, NNDG Võ Văn Bá được các cấp trao tặng những phần thưởng cao quý. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2015; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Di sản Văn hóa Việt Nam của Hội Di sản Việt Nam (năm 2019); bằng khen của UBND tỉnh với thành tích tích cực đầu tư sáng tác bộ nhạc cụ dừa (năm 2012); bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (năm 2014) với thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Nguồn: Báo Đồng Khởi - baodongkhoi.vn - Đăng ngày 22/05/2023