Tích cực, chủ động trong quá trình hợp tác quốc tế

Cập nhật: 24/05/2023
Trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ tích cực tham gia vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, mà còn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.

Nhiều thanh niên quốc tế lựa chọn tham gia các hoạt động giải cứu động vật tại Việt Nam. Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife

1. Đầu tháng 3, Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế, về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia, trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đã đạt được nhất trí về nội dung văn kiện. Điều này mang ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đa dạng sinh học trên phạm vi rộng lớn của các đại dương. Sự kiện này được xem như cột mốc lịch sử của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, và cũng là văn kiện thứ ba về thực thi Công ước Luật Biển năm 1982, bên cạnh Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995 và Hiệp định thực thi Phần XI năm 1994.

Xuyên suốt quá trình diễn ra sự kiện lịch sử này, Đoàn liên ngành Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét. Chúng ta có nhiều đề xuất vì lợi ích chung của các nước đang phát triển, đặc biệt là các quy định liên quan xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Trước đó không lâu, tại Hội nghị COP15 ở Montreal (Canada), sự kiện bên lề "Bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam" đã thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và các nước thành viên trong Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học. Tất cả đều đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này. Quan trọng, nhiều cơ quan và tổ chức quốc tế đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với chúng ta trong thời gian tới, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu chung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu.

2. Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, rất nhiều những hoạt động hợp tác quốc tế đầy thiết thực đã diễn ra trong cả nước, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, hay người dân đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Điển hình như chuỗi các hoạt động với mục tiêu ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật.

Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại các nước như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... cho thấy, trung bình 7% tổng số người được hỏi khẳng định: Họ hay ít nhất một người quen đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ trong vòng 12 tháng qua. Đáng chú ý, tỷ lệ này là cao ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung, từ nhiều năm nay, đã biến nước ta trở thành "điểm nóng" ở khu vực Đông Nam Á.

Trong tuyên bố mới nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) Nguyễn Minh Nam nhấn mạnh: "Giảm nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng ở các đô thị sẽ có tác động mạnh tới việc giảm săn bắt trộm tại các khu bảo tồn lân cận, bảo vệ các loài thú hoang dã và các cánh rừng cho các thế hệ mai sau".

Theo đó, UBND thành phố Tam Kỳ đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình "Tam Kỳ - Thành phố không thịt động vật hoang dã" giai đoạn 2023-2030 như giải pháp tổng thể, với hy vọng chấm dứt tệ nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã từ bấy lâu. Điều này thể hiện quyết tâm cực lớn của chính quyền địa phương. Bởi, khảo sát của WWF được thực hiện tại đây vào năm 2020 cho thấy: 44% tổng số người dân được hỏi có sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, với 93,5% trong số đó khẳng định thịt thú rừng được tiêu thụ nhiều nhất.

3. Đồng hành cùng TP Nam Kỳ, nhiều nỗ lực hợp tác quốc tế khác, hướng tới việc tác động sâu rộng vào nhiều thành phần xã hội hơn, đã diễn ra trên cả nước.

Thí dụ, Hội thảo "Tăng cường kiểm soát, phát hiện, điều tra và xử lý buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật qua cảng biển", do Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Hội thảo về "Nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu các rủi ro từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên không gian mạng" (phối hợp WWF) đã ghi nhận hơn 70 đại diện cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử và mạng xã hội tham dự, hay chuỗi chương trình tập huấn về pháp luật và các quy định đối với động vật hoang dã cũng thu hút hơn 500 người, bao gồm thành viên các nhóm bảo tồn cộng đồng và các đối tác địa phương tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng...

Từ những hoạt động này, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân Việt Nam sẽ nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó đồng hành với chính quyền nhân rộng thông điệp và những hành động thiết thực một cách hiệu quả.

Hoàng Duy

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 19/05/2023