Tiềm năng phát triển du lịch cồn ở Bến Tre, Cần Thơ

Cập nhật: 25/05/2023
Du lịch xanh, du lịch cồn đang có xu hướng phát triển. Bến Tre, Cần Thơ đã và đang phát triển du lịch cồn tạo ra nét mới thu hút du khách. Đây có thể là cách làm mới cho du lịch ĐBSCL.

Du lịch xanh ở cồn Phụng, Bến Tre - Ảnh: Mỹ Tho

Hiện nay, tỉnh Bến Tre có hệ thống cồn bãi nhiều nhất cả nước, rất có điều kiện thu hút khách tham quan du lịch với các sản phẩm đặc thù. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bến Tre, trước đây, trên địa bàn tỉnh có đến 43 cồn nằm ở ven sông, cửa sông, ven biển. Đây cũng là một trong những địa phương có số lượng cồn hình thành tự nhiên nhiều nhất trong cả nước mà ít nơi nào có được.

Về với miền sông nước đồng bằng - Ảnh: Mỹ Tho

Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ còn có 22 cồn; trong đó có nhiều cồn còn có diện tích lớn, có người dân sinh sống như: cồn Tam Hiệp (huyện Bình Đại), cồn Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam), cồn Ốc (huyện Giồng Trôm), cồn Phụng, cồn Quy (huyện Châu Thành). Các cồn bị “ xóa sổ” là do tình hình sạt lở mất đất, diện tích cồn bị thu hẹp do sự thay đổi dòng chảy, tình trạng khai thác cát trái phép. Riêng ở huyện Bình Đại có một số cồn đã được bắc cầu kết nối với đất liền...

Cồn Tam Hiệp,  Bến Tre - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre cho biết, hệ thống cồn bãi ở địa phương là một đặc trưng, rất có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch sông nước. Sở sẽ tiến hành khảo sát thực trạng các cồn để có kế hoạch thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch, khai thác các sản phẩm độc đáo do thiên nhiên ban tặng từ tài nguyên bản địa này.

Tại Cần Thơ, nơi có những cồn lớn như cồn Tân Lộc, cồn Khương, cồn Ấu, cồn Sơn, trong đó cồn Sơn đã phát triển du lịch rất tốt. Gần 10 năm qua người dân và chính quyền TP.Cần Thơ đã quan tâm phát triển du lịch trên địa bàn cồn Sơn.

Cồn Sơn thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, TP. Cần Thơ, một cồn nhỏ khoảng 70ha nằm trên sông Hậu giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, nơi có khoảng 100 hộ dân sinh sống. Nếu đi bằng đò máy từ trung tâm TP. Cần Thơ đến cồn Sơn mất khoảng 20 phút. Du khách có dịp nhìn lại TP. Cần Thơ từ sông Hậu, đây cũng là dịp du khách thưởng ngoạn cảnh sông nước Hậu Giang. Tận dụng địa thế cồn và những bản sắc vốn có, những hộ dân ở Cồn Sơn đã mạnh dạn làm du lịch cộng đồng, cung cấp những trải nghiệm mang đậm chất đồng quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Lê Thị Bé Bảy - Phó Phòng Văn hóa thông tin quận Bình Thủy, một người rất tâm huyết với du lịch cộng đồng ở cồn Sơn cho biết: "Cách làm du lịch ở cồn Sơn Cần Thơ khá độc đáo, mỗi hộ gia đình có một đặc trưng riêng. Hộ gia đình có vườn trái cây thì đưa du khách đến thưởng thức. Hộ nào có bè cá thì đưa khách đến tham quan. Hộ nào có tay nghề làm bánh dân gian thì hướng dẫn khách làm bánh. Mỗi hộ gia đình đều có một công việc, vai trò riêng. Tất cả làm nên một tập thể hỗ trợ, bù đắp đầy đủ cho nhau giúp khu du lịch cồn Sơn ngày càng phát triển và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách".

Du lịch cồn Sơn chính thức đi vào hoạt động năm 2015. Từ năm 2015, nơi đây chính thức trở thành một điểm du lịch. Ban đầu chỉ với gần 40 khách tham quan mà đến bây giờ cồn Sơn đã được biết đến là điểm du lịch nổi tiếng tại Cần Thơ với trụ cột là HTX du lịch nông nghiệp cồn Sơn.

Du lịch cồn Sơn được du khách ưa thích vì có những vườn trái cây tại đây như nhãn, chôm chôm, bưởi, vú sữa, mít, ổi khá hấp dẫn. Vào mùa thu hoạch trái cây du khách tha hồ thưởng thức và có những bức ảnh đẹp. Du khách có dịp xem cá lóc bay lạ mắt. Đến với khu vườn nhà ông Tín, xem từng đàn cá lóc nhảy múa trên mặt nước. Du khách được nghe ông kể chuyện về việc huấn luyện mới thấy hết được cái thú vị của điểm đến này.

Ngoài ra du khách còn được trải nghiệm cuộc sống của nông dân qua các hoạt động: câu cá, mò cua, bắt ốc, tát mương bắt cá. Từ thành quả này, du khách có thể cùng người dân chế biến tại chỗ với nguyên liệu sẵn có trong vườn, thành những món đồng quê tuyệt vời như: cá nướng rơm, ốc nướng, ốc luộc. Trải nghiệm sinh hoạt, mưu sinh của người dân trên sông nước đồng bằng.

Bến Tre đã có những điểm du lịch cồn khá nổi tiếng như cồn Phụng, cồn Quý, thu hút du khách. Du lịch Cần Thơ cũng thành công với cồn Sơn. Vùng ĐBSCL có rất nhiều cồn, mỗi tỉnh đều có cồn lớn nhỏ. Vì vậy, với những địa phương có ưu thế về cồn nên tận dụng quy hoạch, khai thác và phục vụ du lịch để du khách các nơi trải nghiệm về sông nước đồng bằng qua du lịch cồn an toàn, thú vị.

Mỹ Tho - Văn Kim Khanh

Nguồn: Báo 1 thế giới - 1thegioi.vn - Đăng ngày 22/05/2023