Phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 25/05/2023
Việt Nam được công nhận là một trong 25 nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu.

Lực lượng chức năng Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) thả các cá thể động vật hoang dã, quý hiếm về rừng. (Ảnh Nguyễn Sơn)

Tuy nhiên, đa dạng sinh học Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội trong công tác ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam là nơi trú ngụ của gần 14 nghìn loài thực vật, hơn 10 nghìn loài động vật trên cạn. Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11 nghìn loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và năm loài rùa biển).

Tuy nhiên, các số liệu nêu trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ tính đa dạng sinh học của Việt Nam, khi số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thật sự được hiểu biết đầy đủ.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực đa dạng sinh học, Việt Nam đã và đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học như: Tình trạng khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí hoặc thương mại đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng trong tự nhiên và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác.

Đáng lo ngại, tình trạng chặt phá rừng vì mục đích thương mại, phá rừng do du canh là một trong những đe dọa trực tiếp làm mất rừng hoặc suy thoái rừng. Trong khi đó, việc giảm diện tích rừng đầu nguồn do các dự án thủy điện, phát triển giao thông và do các nguyên nhân khác đã và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong đó có các tác động làm giảm lớp phủ thực vật, phân mảng môi trường sống hoang dã của nhiều loài sinh vật nguy cấp, làm suy giảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông.

Hiện nay, việc cải tạo từng phần các bãi triều bằng cách trồng rừng ngập mặn tại vùng cửa sông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nơi trú ngụ và kiếm ăn ưa thích của nhiều loài chim di cư nguy cấp toàn cầu như loài cò thìa (platalea minor) và các loài chim di cư nguy cấp khác. Nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn thành các đầm nuôi tôm, bãi ngao và các hệ hải sản khác đã khiến các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như biến mất tại nhiều địa phương. Hàng nghìn héc-ta rạn san hô,

thảm cỏ biển ở Việt Nam đã mất đi do bị khai thác hoặc do nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên mặt biển. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học ở mọi cấp độ, nhất là việc mở rộng thâm canh nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật với nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến, thiếu kiểm soát đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim và côn trùng ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, các hệ sinh thái vốn đã bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và có thể không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao.

Nhiều loài động, thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua, bộ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước...

Ðến năm 2021, Việt Nam có 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu héc-ta. Ngoài ra, cả nước có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay hơn nữa của toàn xã hội thời gian tới.

Năm 2023, Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) do Liên hợp quốc phát động, có chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động - Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

Hưởng ứng chủ đề nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tế, tổ chức và thực hiện Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quá trình triển khai bảo đảm phù hợp với khuôn khổ, mục tiêu của khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các Bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD COP15). Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ và các vùng đất ngập nước quan trọng khác. Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ngành tài nguyên và môi trường yêu cầu các đơn vị chuyên môn nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để bảo vệ, bảo quản, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu gây ra.

Chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học trong phát triển bền vững, nhất là thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên; hướng tới xóa đói, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững.

Trung Tuyến

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 21/05/2023