Sưng là xóm cổ vùng cao thuộc xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình), diện tích tự nhiên trên 780 ha. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này cảnh quan tươi đẹp, đồi núi trập trùng, suối chảy bao quanh, mây bồng bềnh trên đỉnh núi. Phía trước xóm là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, phía sau là dãy núi Biều hùng vĩ tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp mê lòng.
Đội văn nghệ xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Theo những bậc cao niên tại địa phương, xóm Sưng đã tồn tại từ 500 năm trước. Tên gọi xóm bắt nguồn từ tên của cây Sâng, một loại cây bản địa trước đây được trồng nhiều tại khu vực, nhưng do khó gọi nên người dân chuyển dần cách gọi tên là xóm Sưng. Hiện tại, xóm Sưng là nơi sinh sống của 75 hộ người dân tộc Dao Tiền, sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, cây trồng chính là lúa nương, lúa nước, ngô, khoai. Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của Tổ chức AOP tại Việt Nam, định hướng và hỗ trợ về phát triển du lịch cộng đồng, một số hộ đã mạnh dạn tham gia làm du lịch, được dự án hỗ trợ cho vay vốn, tư vấn sửa lại nhà cửa, tập huấn nấu ăn và các kỹ năng đón tiếp khách du lịch.
Với lợi thế vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, những phong tục tập quán của dân tộc Dao đã, đang được lưu truyền dần trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu là lễ hội mừng xuân dân tộc Dao, lễ cấp sắc, lễ đặt tên và các điệu múa dân gian như múa chuông, múa chèo, múa xoè được đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở khai thác, phát huy… Nghề thủ công truyền thống in thêu thổ cẩm được lưu giữ và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ khách du lịch. Do đó, xóm Sưng đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tại xóm hiện có 3 hộ kinh doanh dịch vụ homestay gồm: Thành Chung homestay, Xuân Lan homestay, Nhất Quý homestay và 50 hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch. Các nhà nghỉ cộng đồng ở đây đều được du khách hài lòng, đánh giá cao về không gian lưu trú bởi vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản nhà ở truyền thống của đồng bào Dao. Phong cách, thái độ phục vụ du khách qua bồi dưỡng tập huấn, hướng dẫn ngày càng chu đáo, chuyên nghiệp. Các hộ kinh doanh homestay đã nắm bắt yêu cầu thực tiễn, không ngừng cải tiến trang thiết bị, đầu tư phương tiện đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách như: phục vụ những món ăn truyền thống, biểu diễn văn nghệ dân tộc, đưa du khách đi bộ quanh bản, leo núi, khám phá hang động, tổ chức các hoạt động cho khách trải nghiệm lối sống của đồng bào dân tộc Dao như: cấy lúa, nấu ăn, đánh bắt cá, thăm đồi chè và xưởng sản xuất chè shan tuyết cổ thụ núi Biều do người dân trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói ngay tại xóm, tìm hiểu cách nhuộm vải và thêu thổ cẩm của người Dao… Lượng khách đến với xóm Sưng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, xóm đón 600 lượt khách du lịch, trong đó khách trong nước 150 lượt, khách nước ngoài 450 lượt, doanh thu đạt 350 triệu đồng. Năm 2018 đón 1.700 lượt khách (khách trong nước 200 lượt, khách nước ngoài 1.500 lượt), doanh thu đạt 567 triệu đồng. Năm 2019 đón 1.850 lượt khách (khách trong nước 260 lượt, khách nước ngoài 1.590 lượt) doanh thu 817 triệu đồng. Từ năm 2020 - 2022, do dịch Covid-19, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng.
Chị Lý Sao Mai, điều phối viên du lịch cộng đồng Đà Bắc tại xóm Sưng chia sẻ: Mô hình du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là mô hình kinh doanh bền vững khai thác thế mạnh của người dân, đồng thời vẫn gìn giữ, phát huy được cảnh quan môi trường tự nhiên, bản sắc dân tộc. Mô hình không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển của du lịch mà còn tác động sâu sắc đến xã hội, văn hoá, môi trường, nhưng để duy trì tính bền vững của mô hình cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương, các công ty lữ hành và các cấp chính quyền. Mô hình bước đầu tạo được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đội văn nghệ phục vụ khách du lịch được đi giao lưu, biểu diễn ở các sân khấu có quy mô lớn, tham gia các hội thi do huyện, tỉnh tổ chức, đây là nguồn động viên tinh thần lớn đối với Nhân dân xóm Sưng, tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Hải Linh