Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”.
Nhờ có điều kiện thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và sự đa dạng sinh học cao nên Việt Nam sở hữu tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Những đặc trưng văn hóa của một quốc gia có nền văn minh lúa nước cũng chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở nông thôn một cách toàn diện, bền vững.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng đồng thời là chuỗi hoạt động dịch vụ và tiện nghi được cung cấp để khai thác các giá trị ở nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, giáo dục, vui chơi... với các hoạt động nông nghiệp cho du khách, từ đó tạo ra thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa nông nghiệp.
Thời gian qua, loại hình du lịch này ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ mang lại sắc thái mới, sức sống mới tại khu vực nông thôn. Qua thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động trải dài từ miền Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả ,thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch.
Nhờ phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mà các tiềm năng, tài nguyên tại khu vực này được đánh thức, phát huy hiệu quả.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý; trong đó, có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển nông thôn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…
Nhờ phát triển loại hình du lịch này mà nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản của địa phương, nhất là sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông, suối, ao, hồ, làng chài... đều được kết nối thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm; tri thức, văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức.
Trên cơ sở những tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn Bộ NNPTNT cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 922/QĐTTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Rà roát các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được phê duyệt. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở phát huy và khơi dậy tiềm năng tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, làng nghề, ẩm thực, văn hóa đa dạng, các giá trị văn hóa phi vật thể như: Lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc….
Đồng thời, quan tâm xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động dịch vụ của các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với lợi thế, định hướng du lịch của từng địa phương. Quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho các chủ thể, lao động du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là du lịch cộng đồng nhằm khai thác tối đa tiềm năng và tài nguyên du lịch của từng địa phương.
Các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tương xứng với tiềm năng.
Tổ chức xây dựng và nâng cao chất lượng các dự án, kế hoạch triển khai mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn theo Quyết định phê duyệt danh mục của Bộ NNPTNT. Trong đó, cần tập trung triển khai xây dựng thiết kế tổng thể, cảnh quan mô hình du lịch nông thôn, làm định hướng để người dân, cộng đồng hình thành các sản phẩm du lịch và tổ chức quản lý du lịch hiệu quả, phù hợp với địa phương.
Nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo yêu cầu của thị trường. Chủ động bố trí, lồng ghép nguồn lực, để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn (đường giao thông, nước sạch, môi trường,…) gắn với kế hoạch đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình/dự án khác trên địa bàn.
Bên cạnh các mô hình thí điểm theo chỉ đạo của Trung ương, đề nghị các địa phương chủ động rà soát, lựa chọn và xây dựng dự án, kế hoạch xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu của Chương trình phát triển du lịch nông thôn và lợi thế của địa phương. Tăng cường huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, cộng đồng; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là 02 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại để thực hiện hiệu quả các mô hình theo quy định.
Tăng cường truyền thông, thay đổi tư duy về vai trò, cách làm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phải đặt cộng đồng là trung tâm, lấy cộng đồng là nền tảng để xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đồng thời tạo sự lan tỏa cho phát triển kinh tế địa phương.
Việt Nam với lợi thế về nông nghiệp, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững; tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 922/QĐ-TTg được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Vũ Trung