Đừng để môi trường các khu bảo tồn biển bị tận diệt

Cập nhật: 24/08/2009
Việt Nam hiện có 120 khu bảo tồn biển (KBTB), chiếm gần 6% diện tích lãnh thổ tự nhiên. Tuy nhiên, hệ thống các khu bảo tồn biển nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta chỉ khai thác các nguồn lợi kinh tế từ biển mà quên đi bảo vệ môi trường - cơ sở để bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên biển bền vững.

Khai thác huỷ diệt, phá môi trường

Sự phát triển của kinh tế biển đã góp phần to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và góp phần xoá đói giảm nghèo là điều kiện không thể phủ nhận. Song sự tăng trưởng kinh tế biển lại không đi đôi với việc xây dựng và bảo tồn đã kéo theo sự suy thoái môi trường biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản.

Theo ước tính mỗi năm, nước thải từ các con sông ra biển mang theo hàng trăm triệu tấn phù sa cùng nhiều tạp chất khác đã góp phần gây ô nhiễm môi trường biển. Mặt khác tại các vùng đất ven biển thường diễn ra các hoạt động khai hoang, lấn biển để làm nông nghiệp và xây dựng các khu kinh tế mới đã gây tác động không nhỏ đến môi trường, cảnh quan sinh thái tự nhiên của biển.

Ngoài ra, trong quá trình canh tác phát triển nông nghiệp và xây dựng các khu kinh tế mới đã gây tác động không nhỏ đến môi trường, cảnh quan sinh thái tự nhiên, tài nguyên của biển. Mỗi năm con người gián tiếp thải ra khoảng 20.000 tấn thuốc phòng trừ sâu bệnh còn tồn dư ra biển.

Việc phát triển các vùng nuôi trồng thuỷ sản với tốc độ nhanh như hiện nay tại các đầm phá, eo vịnh, bãi triều, các vùng trồng lúa kém hiệu quả và các hình thức nuôi cá lồng bè quây lưới ở mật độ dày, thải ra một lượng không nhỏ thức ăn dư thừa cũng là tác nhân không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh tràn lan.

Không những thế tình trạng khai thác nguồn lợi thuỷ sản bằng đánh mìn, sử dụng hoá chất độc hại đã làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thuỷ sản và gây hậu quả xấu đến các vùng sinh thái biển, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trầm tích đáy biển, môi trường cư trú của nhiều loài thuỷ hải sản.

Theo các nhà nghiên cứu, hiện tại ở các vùng xác định là có ảnh hưởng từ những tác động của con người trong các vùng phát triển kinh tế, hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các mẫu sinh vật đáy ở các vùng cửa sông ven biển phía Bắc đều cao hơn giới hạn cho phép. Điều này đã có tác động không nhỏ đến tiến trình phát triển tự nhiên của sinh vật biển cũng như ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản mà biển ban tặng cho con người.

Diện tích rừng ngập mặn (RNM) ngày càng bị thu hẹp, môi trường suy thoái và nguồn lợi thủy sản ven biển bị cạn kiệt. Do mất RNM, số lượng sinh vật phù du và sinh vật đáy làm thức ăn cho các loài thủy sản giảm đi đáng kể, dẫn đến tình trạng giảm sút năng suất tôm nuôi quảng canh. Theo ước tính, trước đây cứ 1 ha RNM có thể khai thác được 700-1000 kg thuỷ sản thì nay chỉ thu được khoảng 1/2 số đó.

Mặc dù rừng sinh thái đóng vai trò đặc biệt kỳ quan trọng đối với môi trường biển và được con người ví như “rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển” ở nhiều vùng biển nước ta hệ sinh thái này đang bị khai thác quá mức bằng các phương tiện mang tính hủy diệt như đánh mìn, sử dụng hóa chất độc để đánh bắt hải sản.

Khai thác san hô làm vôi và đồ lưu niệm khiến cho môi trường sinh thái dưới đáy biển bị suy thoái nghiêm trọng. Theo đánh giá của Viện Tài nguyên Thế giới, có đến 80% rừng sinh thái biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi do cao do tác động của con người. Và tình trạng này cũng đang diễn ra tương tự với hệ sinh thái thảm cỏ biển, các thảm cỏ biển ở vùng cửa sông, đầm phá, vùng triều và ven một số đảo bị khai thác bừa bãi làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.

Hơn 10 năm trở lại đây, hoạt động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã góp phần ngăn chặn những tình trạng trên. Tuy nhiên, việc bảo vệ ở diện rộng không thể đạt hiệu quả cao vì nhiều lý do về kinh tế, xã hội.

Việc thiết lập các KBTB là một giải pháp góp phần duy trì bền vững nguồn lợi thuỷ sản nói riêng và bảo vệ môi trường biển nói chung đã được đặt ra và từng bước được quan tâm nhưng chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế, cần được thảo luận không chỉ về chủ trương mà cả về thực tiễn.

 

Cần giải pháp đồng bộ

Theo các chuyên gia nghiên cứu về KBTB trên thế giới: Thành lập KBTB là phương thức hiệu quả và ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng những mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người.

Việc thiết lập KBTB sẽ làm mật độ sinh vật biển tăng gấp đôi, sinh khối tăng ba lần, kích thước của sinh vật và đa dạng sinh học tăng lên 20-30% so với vùng không nằm trong KBTB. Trong các KBTB, trữ lượng hải sản tăng lên sau một thời gian thiết lập (thường sau 5 năm) sẽ cung cấp các ấu trùng hải sản cho các bãi cá bên ngoài nhờ các dòng chảy biển và đại dương.

Vì vậy việc thành lập các KBTB không chỉ góp phần đảm bảo cần bằng sinh thái vùng biển, đa dạng sinh học, điều hòa môi trường và nguồn giống hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế lâu dài, với nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Đồng thời nó còn là cơ sở, là công cụ hành chính và pháp luật trong việc đấu tranh và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trong phạm vi đặc quyền kinh tế của nước ra.

Tuy nhiên, theo TS  Nguyễn Chu  Hồi, Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khi quy hoạch hệ thống KBTB điều trước tiên phải hướng tới tính khả thi. Hiện tại, việc thiết lập hệ thống bảo tồn biển và vùng ven bờ vẫn còn nhiều trở ngại từ những vấn đề liên quan đến tính quản lý, chưa có văn bản pháp lý phân công trách nhiệm một cách rõ ràng.

Tính khả thi trước tiên, nên đề cao vai trò các địa phương tại các KBTB, cộng đồng địa phương. Có thể giao quyền và trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương thuộc địa bàn đó. Như vậy mới phát huy được tính hiệu quả trong bảo vệ môi trường và tài nguyên.

Nhận thức về bảo tồn biển đang là vấn đề lớn không chỉ đối với cộng đồng mà cả với các nhà quản lý. Thực tế cho thấy, không ít cán bộ môi trường ở các tỉnh ven biển vẫn còn mơ hồ với khái niệm về KBTB. Bên cạnh đó ở cấp quốc gia, việc quan tâm đầu tư cho các KBTB cũng chưa tương xứng với tiềm năng đem lại.

Một thực tế đặt ra là, hiện các KBTB đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành vẫn còn thiếu, số cán bộ đang hoạt động vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu công việc. Điều đó dẫn đến việc quản lý không thể đồng bộ và hiệu quả.

Yêu cầu đặt ra đối với các KBTB nước ta hiện nay là cần có những giải pháp đồng bộ để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ mặt trái của phát triển kinh tế biển đối với môi trường. Và có như vậy mới bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn tài nguyên biển của đất nước.

Nguồn:  VFEJ