Hình ảnh đàn cò trắng, đàn chim hoang dã chao lượn trên mặt biển Hạ Long, trên rừng cây Núi Hứa, hay ở khu rừng ngập mặn Quảng Yên... đem đến góc nhìn khác về một Quảng Ninh xanh, bình yên, bên cạnh sự sôi động, náo nhiệt và hiện đại nổi tiếng lâu nay.
Màu xanh của trời, của biển, màu xám của núi đá và màu trắng của cánh cò tạo nên bức tranh Vịnh Hạ Long đầy ấn tượng, đem lại cảm giác tĩnh lặng và nên thơ. Du khách tham quan Vịnh Hạ Long trong dịp lễ 30/4-1/5 không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi được ngắm hình ảnh đàn cò trắng sải cánh trên mặt biển tìm nơi trú ngụ.
Biểu tượng cho những vùng đất yên bình
Hình tượng đàn cò là biểu tượng của ao đầm, đồng ruộng, là vẻ đẹp bình yên, hoang sơ nhất trong văn hóa, tâm trí của người Việt nhiều đời nay, là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm thơ ca, văn học truyền thống. Giữa guồng phát triển nhanh chóng về mọi lĩnh vực của xã hội hiện đại, với sự lên ngôi của công nghệ, sự đô thị hóa, những khung cảnh đẹp một cách đơn sơ và tự nhiên đem đến sự bình yên, đầy lắng đọng cho những ai được tận mắt ngắm nhìn.
Du khách tham quan Vịnh Hạ Long trong dịp lễ 30/4-1/5 đều không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi được ngắm hình ảnh đàn cò trắng sải cánh trên mặt biển tìm nơi trú ngụ. Từng đàn cò có số lượng khá đông bay chao liệng trên vịnh, sát vách núi đá vôi, hay lượn sát mặt nước để tìm kiếm thức ăn. Màu xanh của trời, của biển, màu xám của núi đá và màu trắng của cánh cò tạo nên bức tranh đầy ấn tượng, đem lại cảm giác thơ mộng đến lạ lùng.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đặc tính của loài cò là xuất hiện ở nơi yên tĩnh, môi trường trong lành, có sẵn thức ăn. Loài cò thường di cư đến Vịnh Hạ Long để tìm kiếm thức ăn tầm tháng 3 và tháng 9. Việc đàn cò xuất hiện nhiều như hiện nay cho thấy trên vịnh có nguồn lợi thủy sinh tốt, thuận lợi để cò tìm kiếm thức ăn.
Nằm giữa cánh đồng thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, rừng Núi Hứa là nơi cư ngụ của đàn cò hàng nghìn con.
Nằm giữa cánh đồng thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình (huyện Đầm Hà), rừng Núi Hứa là nơi cư ngụ của hàng nghìn con cò. Toàn bộ khu vực sinh sống của đàn cò rộng khoảng 1ha cánh rừng tre, rừng bạch đàn. Người dân Làng Ruộng cho biết, đàn cò đã về đây trú ngụ từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc đầu chỉ vài con, nhưng do điều kiện khí hậu và nguồn thức ăn dồi dào, đàn cò phát triển khá nhanh.
Khu vực sinh sống chính của đàn cò được chia thành 3 tầng. Tầng trên cùng với những ngọn cây cao là nơi cò đỗ. Tầng giữa là những chạc, cành cây nơi cò làm tổ. Tầng dưới cùng là những cành cây sát mặt đất, nơi những con cò nhỏ tập kiếm ăn, tập bay. Thời điểm thích hợp nhất để ngắm cò ở đây là mùa hè. Khi đó cò vào mùa sinh sản và phát triển, không gian trở nên náo nhiệt hơn, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Đã từ lâu nay, người dân Làng Ruộng có ý thức không đánh đuổi, săn bắt cò, mà ra sức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống cho cò. Và những cánh cò trắng chao liệng đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống yên bình của vùng đất này.
Những cánh nhỏ chao liệng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống yên bình ở Làng Ruộng.
Nằm bên bờ Bạch Đằng giang lịch sử, TX Quảng Yên không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, mà còn là nơi có 2.671ha rừng ngập mặn. Hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng khiến rừng ngập mặn của Quảng Yên như một "bức tường" xanh vững chắc bảo vệ các tuyến đê biển, cung cấp nguồn thủy sản cho người dân.
Phong cảnh nơi đây giống với vùng miệt vườn miền Tây Nam Bộ, với hệ thống kênh rạch giữa những cánh rừng. Trên vùng rừng, vùng nước đó là những đàn cò sải cánh tìm thức ăn ở những gốc cây, mặt nước. Bên cạnh những khu dân cư đông đúc, hạ tầng giao thông phát triển nhanh chóng, việc nỗ lực bảo vệ không gian xanh khoáng đạt của rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo duy trì cân bằng sinh thái và bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống ở Quảng Yên.
Đàn cò sải cánh tìm thức ăn ở những cánh rừng ngập mặn tại TX Quảng Yên.
Cô Tô là huyện đảo nơi địa đầu Tổ quốc, nằm ở phía Đông của tỉnh, bao gồm gần 50 đảo lớn, nhỏ. Dù diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% đất tự nhiên, địa phương vẫn luôn chú trọng khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. Khi khám phá khung cảnh trên đảo, du khách không chỉ ngỡ ngàng với những bãi biển đẹp như tranh vẽ, những cánh rừng nguyên sinh quý giá, mà còn có cả cánh đồng lúa xanh mướt hệt như không gian đâu đó ở một làng quê Bắc Bộ truyền thống.
Trên bãi biển, trên những vạt lúa xanh đó, thật dễ có thể bắt gặp những cánh cò trắng bay lượn, hay đậu lại tìm thức ăn. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do Cô Tô được ví như điểm “đi trốn” khỏi những ồn ào và náo nhiệt của xã hội hiện đại. Du khách thường cảm thấy tinh thần tĩnh lặng hơn, bình tâm hơn trước những vẻ đẹp nhẹ nhõm và nao lòng như vậy.
Giữ môi trường cho đàn chim trú ngụ
Trong định hướng phát triển, Quảng Ninh luôn coi trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, coi đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại và bền vững trong tương lai. Hình ảnh những đàn cò, đàn chim trời trở về sinh sống trong mỗi mùa di cư, hay ở lại sống tại các vùng đất, vùng nước tự nhiên chính là minh chứng cho những nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này.
Nhiệm vụ quan trọng đó được quy định cụ thể trong nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, nổi bật như Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022; quy hoạch đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản ra vùng đệm và vùng phụ khu bảo tồn, khu di sản... Và mới đây nhất là Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Lâu nay người dân Làng Ruộng (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) đã có ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống cho đàn cò ở Núi Hứa.
Tỉnh cũng bố trí ngân sách thỏa đáng để duy trì hoạt động thường xuyên tại các khu bảo tồn tự nhiên, đơn vị quản lý bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, địa phương; triển khai những giải pháp kỹ thuật, pháp lý để bảo vệ các hệ sinh thái.
Với riêng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, công tác quản lý, bảo tồn nguyên trạng các giá trị của vịnh, trong đó có giá trị về đa dạng sinh học luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực ưu tiên phục vụ công tác bảo tồn. Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh hoạt trong thời gian qua được triển khai tích cực thông qua nhiều nhiệm vụ khoa học, các chương trình, kế hoạch khảo sát, điều tra đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long.
Ông Huỳnh cũng cho biết, Vịnh Hạ Long được coi là miền đất lành với gần 3.000 loài động, thực vật cùng sinh sống. Cùng với những giải pháp khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung những loài quý, hiếm, đặc hữu trên vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản, đa dạng sinh học và tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.
Liên quan đến công tác bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NNPTNT, cho biết: Sở NNPTNT hằng năm đều chỉ đạo các hạt kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát những khu vực trọng điểm về buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi săn bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá những tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.
Các địa phương toàn tỉnh cũng kiên trì và tăng cường tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư nói riêng và động vật hoang dã nói chung; khuyến cáo người dân không săn bắn, bẫy, bắt các loài chim hoang dã, chim di cư và động vật hoang dã khác. Công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, di cư luôn đặc biệt được tăng cường và chú trọng mỗi khi vào mùa chim di cư (từ đầu tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Lực lượng chức năng TP Móng Cái tiêu hủy bẫy đánh bắt chim trời.
Song hành với việc tuyên truyền là hàng loạt đợt ra quân phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã tiến hành 148 đợt ra quân kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim hoang dã trên địa bàn. Lực lượng tham gia đại diện các ngành như kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, thú y, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn... Các đoàn kiểm tra đã thu, tiêu hủy trên 46.000m lướt bắt chim, gần 2.000 cọc tre, gỗ và các loại thiết bị liên quan. Các vụ việc liên quan đến săn bắt chim hoang dã đều được xử phạt nghiêm, để không còn trở thành “vấn nạn” nhức nhối, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Từ miền Đông sang khu vực trung tâm và đến miền Tây của tỉnh, những bức tranh màu xanh điểm trắng như khẳng định nỗ lực của Quảng Ninh trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sống tự nhiên song hành với phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại. Sự đồng hành giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là hướng đi mà Quảng Ninh luôn kiên trì, từng bước tháo gỡ khó khăn để đạt được tính bền vững trong các chiến lược, mục tiêu phát triển trước mắt cũng như lâu dài.
Hùng Sơn - Phương Loan