Có quá trình hơn 20 năm nghiên cứu về các loài chim hoang dã tại Quảng Ninh, TS Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam (VBCS), vừa qua đã có chuyến khảo sát ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh, trong khuôn khổ chương trình khảo sát về đa dạng sinh học của Quảng Ninh. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh sự biến động của các loài chim ở khu vực Quảng Ninh trong những năm qua.
- Quá trình nghiên cứu nhiều năm ở Quảng Ninh cho đến nay, ông có đánh giá như thế nào về sự biến động của các loài chim cả về số lượng, chủng loại cũng như những tác động tới môi trường sống của chúng?
+ Nói về Quảng Ninh thì chúng tôi có rất nhiều những chuyến thực địa, bắt đầu từ năm 2001 khi Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng với Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế điều tra tổng thể về khu hệ chim, nhất là các loài chim di cư ở ven biển tỉnh Quảng Ninh. Sau chương trình đó, chúng tôi đã tiến hành thành lập 2 vùng chim quan trọng tại mũi Trà Cổ - cảng Vạn Hoa và vùng chim ở đảo Hà Nam (TX Quảng Yên). Đây là hai trong số 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam.
Sau đó, chúng tôi cũng tiến hành giám sát hàng năm, tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất là giám sát các loài chim quý hiếm mà trước đây chúng tôi ghi nhận, đặc biệt là có loài rất quý hiếm, hiện có trong danh lục đỏ diện nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), đó là loài cò thìa và một số loài khác như loài mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa… Cùng với đó thì chúng tôi cũng giám sát sự biến đổi về sinh cảnh sống của các loài.
Cò trắng, cò đen được TS Lê Mạnh Hùng chụp tại đảo Cô Tô.
Đến nay, có thể nói tất cả các loài đều suy giảm, từ quần thể các loài chim quý hiếm cho tới sự biến đổi của sinh cảnh. Khu vực rất quan trọng đối với các loài chim di cư ở Quảng Ninh hiện đã làm Khu công nghiệp Nam Tiền Phong và cảng Đình Vũ (Hải Phòng), từ đó phá huỷ hầu hết sinh cảnh vùng chim quan trọng của đảo Hà Nam. Khu vực Trà Cổ - đảo Vạn Hoa hiện nay du lịch cũng rất phát triển, có những tác động không nhỏ tới các loài chim di cư.
Có thể thấy rằng, Quảng Ninh có hệ chim rất phong phú. Xét trên phương diện quốc tế thì Việt Nam nằm trong đường di cư của các loài chim (đường bay Đông Á - Úc châu), một trong 5 tuyến đường bay rất quan trọng của thế giới. Quảng Ninh gần như là cái ga đầu tiên của Việt Nam mà chúng di cư qua. Chính vì vậy, bất cứ sự thay đổi nào xảy ra ở Quảng Ninh cũng ảnh hưởng tới các loài chim, đặc biệt là các loài chim di cư hiện nay đi qua Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao khu hệ chim của tỉnh Quảng Ninh.
Vườn cò Núi Hứa ở Đầm Hà được chuyên gia đánh giá cao bởi số lượng cá thể làm tổ, sinh sống tại vườn tương đối lớn. Ảnh: Hùng Sơn
- Quảng Ninh còn vườn cò Núi Hứa ở Đầm Hà đã có từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Dưới góc độ bảo tồn, ông có đánh giá gì về vườn cò ở khu vực này?
+ Vừa qua, chúng tôi đã có chuyến khảo sát tại đây, qua đó chúng tôi cũng đánh giá cao bởi số lượng cá thể làm tổ, sinh sống tại vườn tương đối lớn, có thể so sánh với một số Vườn chim tại miền Bắc Việt Nam như Thanh Miện (Hải Dương), Đông Xuyên (Bắc Ninh). Quan trọng nhất là vườn cò Núi Hứa hiện đang được cộng đồng chăm sóc và bảo vệ, là mô hình rất tốt để có thể bảo vệ, bảo tồn các loài chim trong khu vực.
Đây có thể nói là một khu vực quan trọng đối với công tác bảo tồn chim tại tỉnh nếu được quan tâm, đầu tư. Khu vực có thể làm nơi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài chim nói riêng. Khu vực Núi Hứa có thể xây dựng, phát triển mô hình du lịch sinh thái và giáo dục môi trường cho cộng đồng ở Quảng Ninh.
Đàn cò trắng bay trên Vịnh Hạ Long tạo nên cảnh sắc nên thơ, thu hút sự chú ý của du khách. Ảnh: Hùng Sơn
- Ông có nhắc đến tác động của du lịch, vậy theo ông làm thế nào để hài hoà sự phát triển của du lịch với môi trường sinh sống của các loài chim, thậm chí là hỗ trợ được cho nhau không?
+ Chúng tôi đã nghĩ đến điều đó nhiều lần và cũng rất muốn đề xuất với tỉnh. Hiện nay, Quảng Ninh mới chỉ đang tập trung vào bảo tồn các khu vực nhất định, như Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng… Tuy nhiên, vẫn chưa chú trọng đến những vùng chim quan trọng mà chúng tôi xác định trước đây.
Sự quan tâm của tỉnh hiện nay vẫn thiên về phát triển kinh tế. Chúng tôi chỉ mong mỏi làm sao hài hoà giữa việc phát triển kinh tế, du lịch với bảo tồn loài. Như bạn chia sẻ, gần đây khách du lịch đến Quảng Ninh rất thích thú với những đàn cò trắng bay trên Vịnh Hạ Long. Việc chúng bay về hàng năm là điều bình thường nhưng rõ ràng, nhận thức của người dân bắt đầu được nâng cao, vì thế mọi người mới để ý hơn đến sự hiện diện của các loài chim trong khu vực.
Hiện nay trên thế giới, loại hình du lịch xem chim cũng rất phát triển. Nếu chúng ta có thể bảo tồn một số khu vực quan trọng đối với các loài chim, cùng với các loại hình du lịch khác hiện đang phát triển tại tỉnh, chúng ta cũng có thể phát triển thêm loại hình du lịch xem chim như tôi nói ở trên, nhằm nâng cao đời sống cộng đồng, dần dần nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Phướn được TS Lê Mạnh Hùng chụp tại Hà Nam, TX Quảng Yên.
- Ông có thể nói cụ thể hơn không?
+ Xuất phát từ vấn đề nêu trên, hiện nay chúng tôi đang phối kết hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên - Môi trường, sẽ điều tra, đánh giá lại các vùng đất ngập nước quan trọng đối với các loài chim di cư, trong đó có các vùng đất ngập nước ở Quảng Ninh. Các bạn có thể đã nghe, sang năm chúng ta sẽ phải tham gia Công ước quốc tế đối với các loài di cư (CMS) (Công ước nhằm bảo tồn toàn bộ các loài di cư trên cạn, dưới nước và các loài chim trên lãnh thổ của các nước ký công ước - PV). Nếu chúng ta không tham gia Công ước thì sẽ bị những nước phát triển loại ra khỏi những hiệp định thương mại, tác động rất lớn tới phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chính vì vậy, hiện nay Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đang phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để thiết lập các vùng đất ngập nước quan trọng. Rất hy vọng là sau khi Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với tỉnh để khoanh vùng lại những vùng mà hiện nay chúng tôi đánh giá là vẫn còn quan trọng đối với các loài chim, chúng ta sẽ cố gắng đề xuất để xây dựng các khu vực quan trọng bảo tồn các loài chim, đặc biệt là các loài chim di cư qua khu vực.
Choắt mỏ cong bé được TS Lê Mạnh Hùng chụp tại Quan Lạn (huyện Vân Đồn).
- Các phương tiện truyền thông hiện nay cũng phản ánh nhiều về vấn nạn săn bắt các loài chim hoang dã, vậy ông đánh giá nguy cơ này đối với Quảng Ninh ra sao?
+ Hiện nay, đối với Quảng Ninh theo chúng tôi đánh giá về cấp độ đe doạ thì đầu tiên là mất sinh cảnh sống, sau đó là nạn săn bẫy bắt các loài chim di cư để làm thức ăn ở các nhà hàng rất phổ biến. Các bạn có thể thấy là vào mùa chim di cư, khắp nơi giăng lưới bẫy bắt ở các vùng chúng di cư qua. Đây cũng là thực trạng không riêng ở Quảng Ninh mà ở hầu khắp các tỉnh ven biển dọc Việt Nam, là mối đe doạ cực kỳ nguy hiểm, đáng báo động đối với khu hệ chim. Ngoài ra, việc buôn bán, bẫy bắt các loài chim làm cảnh như hiện nay cũng rất phổ biến nhưng chưa ở mức quá báo động như các tác động nêu trên.
- Nói như thế liệu có phải các chế tài của chúng ta chưa đủ sức răn đe không, thưa ông?
+ Cơ chế của chúng ta đã có nhưng thực thi còn rất yếu. Hiện nay, có 2 vấn đề mà chúng tôi đánh giá có thể bảo vệ được các loài chim hoang dã, đó là phải tiến hành thực thi được một cách nghiêm túc, quyết liệt các chế tài đã có. Thứ hai là phải triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, đây là việc vô cùng quan trọng, bởi nếu cộng đồng không ủng hộ thì dù có rất nhiều các văn bản pháp luật, chúng ta cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn!
Phan Hằng (Thực hiện)