Thái Nguyên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa

Cập nhật: 26/05/2023
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với tăng trưởng kinh tế. Các di sản trên địa bàn tỉnh được ghi danh vào danh mục quốc gia, quốc tế đã và đang trở thành yếu tố cốt lõi để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt.

Tết Cơm mới của bà con người dân tộc Tày ở Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên).

Thái Nguyên là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, tỉnh có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào danh mục, trong đó có 1 di tích lịch sử văn hóa đặc biệt và 19 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với hệ thống di tích, 189 lễ hội trải khắp địa bàn tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm. Mỗi địa phương đều có những lễ hội truyền thống riêng và mang tính chất đặc trưng, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Với hệ thống di tích phong phú, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, có thể khẳng định, Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với các di tích, di sản văn hóa.

Nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trong đó có một số nhiệm vụ mang tính chiến lược, tạo cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa, như: Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”; Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016.

Năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên” nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị của các di sản đã được đưa vào Danh mục quốc gia. Bên cạnh đó, Sở thực hiện 2 dự án thành phần thuộc Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” đạt hiệu quả, chất lượng; hoàn thành 4 đề tài khoa học cấp tỉnh; 3 dự án phục dựng di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số…

Thông qua việc triển khai các đề tài, dự án, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được phục dựng, bảo tồn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân; đồng thời tạo điểm nhấn về sản phẩm du lịch văn hóa của tỉnh.

Tự tay đan các vật dụng gia đình như: Rổ, rá, dần, sàng… là một trong những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

Từ nguồn ngân sách của tỉnh và Trung ương hỗ trợ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, từ năm 2001 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện được 8 dự án phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như: Đám cưới của người Sán Chay; Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội đình Phương Độ (Phú Bình); phục dựng Lễ hội đình Mỏ Gà (Võ Nhai).

Việc phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm, đầu tư, như: Khôi phục phường rối cạn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh (Định Hóa), rối cạn Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa); Lượn cọi; hát Ví...

Bên cạnh đó là duy trì và mở rộng các câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, câu lạc bộ múa Tắc Xình, câu lạc bộ hát Soọng Cô nhằm bảo tồn văn hóa, phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương tổ chức hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể thông qua mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa), Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên), Bản truyền thống dân tộc Tày, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), nhằm tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch.

Thông qua mô hình xây dựng làng văn hóa, nhiều giá trị truyền thống về kiến trúc nhà sàn, tập quán lao động sản xuất, làn điệu dân ca, dân vũ... đã được bảo tồn, phục dựng.

Trải nghiệm văn hóa trà là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của Thái Nguyên.

Xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa đối với quá trình phát triển, biến các di sản văn hóa trở thành nguồn lực văn hóa quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó có phát triển du lịch, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực, phát huy giá trị bản sắc văn hoá con người Thái Nguyên với 3 định hướng: Văn hóa trở thành nguồn lực, động lực phát triển; phát huy giá trị truyền thống văn hóa để truyền cảm hứng, khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên "bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”; tạo bản sắc văn hóa riêng và vị thế của tỉnh trong hội nhập, hợp tác quốc tế.

Đồng thời xác định, phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, du lịch thông minh, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn và du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những kết quả tích cực từ công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng. Đồng thời tạo sự lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc.

Nguyễn Ngọc Tuân - Giám đốc Sở VHTTDL

Nguồn: Báo Thái Nguyên - baothainguyen.vn - Đăng ngày 26/05/2023